Thay “áo mới” cho chợ truyền thống

Bộ mặt chợ truyền thống tại các tỉnh thành phía Nam đang ngày một được chú trọng phát triển theo hướng văn minh, hiện đại nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất, lưu thông hàng hóa đến người tiêu dùng một cách thuận lợi hơn. 
Chợ truyền thống được cải tạo khang trang hơn
Chợ truyền thống được cải tạo khang trang hơn

Từ chợ nông thôn vùng Đông Nam bộ… 

Tại tỉnh Bình Dương, việc phát triển thương mại vùng nông thôn đã được chính quyền địa phương chú trọng khi chỉ đạo các huyện, thị xã nâng cấp, thay đổi diện mạo chợ truyền thống theo mô hình chợ văn minh thương mại, đáp ứng quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng. Cụ thể là tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật và có cơ chế, chính sách khuyến khích thực hiện tiêu chí về an toàn thực phẩm…

Theo Sở Công thương tỉnh Bình Dương, việc vận động các tiểu thương cùng với các chủ chợ thực hiện văn minh trong thương mại dù vẫn còn một số hạn chế, song bước đầu việc thực hiện chủ trương này đã góp phần tạo những chuyển biến tích cực trong công tác tổ chức sản xuất, phát triển thị trường tiêu thụ hàng hóa.

Việc quan tâm đầu tư xây dựng chợ tại khu vực nông thôn ở Đồng Nai cũng được triển khai quyết liệt để thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa cho người dân địa phương. Theo đó, từ năm 2014, Sở Công thương tỉnh Đồng Nai đã tham mưu và kiến nghị UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua nghị quyết về mức hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ nông thôn trên địa bàn.

Với nguồn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh và các địa phương, đến nay đã có hàng chục chợ nông thôn được đầu tư nâng cấp, sửa chữa và xây dựng mới. Đa số các chợ mới được hỗ trợ kinh phí đầu tư và đưa vào hoạt động, cơ bản đáp ứng được nhu cầu mua bán của nhân dân địa phương và các xã lân cận. Điển hình như các chợ: Phước An, Phước Thiền (huyện Nhơn Trạch); Lâm San, Láng Me, Nhân Nghĩa, Bảo Bình (huyện Cẩm Mỹ); Phú Túc (huyện Định Quán); Phú Điền, Phú Lộc (huyện Tân Phú)…

Sở Công thương tỉnh Đồng Nai cho biết, theo quy hoạch đến năm 2020 toàn tỉnh sẽ có 206 chợ (không tính các chợ đầu mối và chợ đêm), riêng khu vực nông thôn có 163 chợ. Hầu hết các chợ mới được đầu tư khang trang, sạch đẹp, đảm bảo tiêu chuẩn thiết kế kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.

Riêng với TPHCM, hiện đã có khoảng 240 chợ truyền thống nên trong quy hoạch giai đoạn sắp tới sẽ không xây dựng chợ mới trong khu vực nội thành. Đối với các chợ hiện hữu, sẽ đề ra giải pháp hoàn thiện các công trình phụ trợ (bãi xe, nhà vệ sinh, kho hàng…) và nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất - hạ tầng chợ đã xuống cấp.

Song song đó, thành phố sẽ huy động phát huy hết công suất hoạt động của các chợ hiện hữu; tiếp tục cải tiến chất lượng dịch vụ mua bán ở chợ theo hướng đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, nguồn gốc xuất xứ, giá cả rõ ràng để nâng cao sức cạnh tranh với các loại hình phân phối khác; rà soát, xây dựng phương án chuyển đổi công năng một phần hoặc toàn bộ đối với những chợ hoạt động không hiệu quả.

… đến phát triển mạng lưới bán lẻ vùng ĐBSCL

Tại 13 tỉnh thành vùng ĐBSCL, chợ truyền thống được đánh giá vẫn là hình thức tổ chức thương mại phổ biến nhất, nhưng do hạ tầng chưa đồng bộ nên mạng lưới chợ còn thiếu và yếu, dẫn tới việc phân phối sản phẩm còn rất nhiều hạn chế. Để hàng hóa lưu thông đến người tiêu dùng thuận lợi, đáp ứng nhu cầu của thị trường, các tỉnh ĐBSCL đang rốt ráo đưa ra nhiều biện pháp đẩy mạnh phát triển mạng lưới chợ nông thôn trong giai đoạn tới. 

Đơn cử ở Hậu Giang, trong số 72 chợ thì có tới 59 chợ hạng 3 và chợ tạm nên tỉnh này đang từng bước nâng cấp các chợ hạng 3 bằng việc thực hiện nghiêm túc 10 tiêu chuẩn về xây dựng hình ảnh chợ văn minh. Các tiêu chí được ban quản lý chợ và tiểu thương đặc biệt quan tâm là: phòng cháy chữa cháy, an ninh; tinh thần đoàn kết; bán hàng uy tín, chất lượng, thái độ phục vụ tận tình, thân thiện; vệ sinh môi trường.

Ông Võ Nguyên Nam, Giám đốc Sở Công thương tỉnh An Giang, cho hay tỉnh này hiện có 202 chợ truyền thống, trong đó các chợ hạng 3 và chợ vùng biên giới đang từng bước được nâng cấp sạch đẹp, văn minh hơn. Đặc biệt,  6 tháng đầu năm 2019, tỉnh đã đưa vào hoạt động 4 chợ vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm thay đổi tư duy của người sản xuất và người tiêu dùng khi kinh doanh, mua bán các sản phẩm tại chợ truyền thống. 

Các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Đồng Tháp… cũng đang đẩy mạnh cải thiện hoạt động kinh doanh tại các chợ truyền thống qua việc tuyên truyền, vận động và phổ biến những kiến thức về an toàn vệ sinh tại chợ; đồng thời phân bổ ngân sách để làm mới một số chợ điển hình. 

Theo đánh giá của ngành công thương phía Nam, việc phát triển nhanh và đồng bộ mạng lưới chợ, nhất là các chợ nông thôn sẽ là đòn bẩy phát huy tối đa vai trò thúc đẩy quá trình lưu thông, tiêu thụ hàng hóa cho người sản xuất và phục vụ đời sống nhân dân.

Tin cùng chuyên mục