Thầy giáo đa tài

“Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao…”, đó là câu hát luôn thôi thúc anh lạc quan yêu đời, vượt lên phía trước trong mọi hoàn cảnh. Anh là An Bằng Đung, giáo viên dạy môn Triết học của Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng, TP Cần Thơ. Theo mũi tên chỉ đường “Trung tâm luyện vẽ An Bằng Đung” tôi tới được nhà anh ở khu vực 6, phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.
Thầy giáo đa tài

“Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao…”, đó là câu hát luôn thôi thúc anh lạc quan yêu đời, vượt lên phía trước trong mọi hoàn cảnh. Anh là An Bằng Đung, giáo viên dạy môn Triết học của Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng, TP Cần Thơ. Theo mũi tên chỉ đường “Trung tâm luyện vẽ An Bằng Đung” tôi tới được nhà anh ở khu vực 6, phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.

Gian nan mưu sinh

Cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt tôi là một ao cá rộng bên cạnh vườn cây trái sum sê và hàng ngàn cây cảnh đang ươm. Nhưng ấn tượng nhất là gian điêu khắc tượng với một quần thể đủ các loại tượng lớn nhỏ bằng nhiều chất liệu, trong đó có những bức tượng về Bác Hồ được anh thể hiện khá thành công… Nhìn cơ ngơi đàng hoàng trong khuôn viên hơn 3.000m2, ít ai nghĩ rằng chủ nhân của nó đã trải qua nhiều gian lao vất vả. Anh sinh ra và lớn lên ở vùng đồng chiêm trũng Ninh Bình trong một gia đình nông dân nghèo, là con trưởng trong một gia đình có 6 anh em. Từ nhỏ anh đã ước mơ được vẽ và làm thầy giáo. Nhiều khi chỉ với cục than, cục gạch non, anh vẽ xuống đất hình cây cối, chim muông, trâu bò, con người trông rất ngộ nghĩnh, đáng yêu. Những năm học tiểu học hay trung học, anh thường được thầy cô giao phụ trách báo tường của lớp. Những tờ báo do anh trang trí luôn được đoạt giải. Ngày chia tay bạn bè nghỉ hè, chỉ với cây bút chì và cuốn sổ, anh ký họa lại mấy chục gương mặt trong lớp để làm kỷ niệm. Nhưng ước mơ làm họa sĩ và thầy giáo của anh chưa thành thì chiến tranh xảy ra. Năm 1970, vừa học xong trung học, mới 17 tuổi, anh xung phong vào bộ đội và qua các chiến trường ác liệt nhất như: Trị Thiên, Tây Nguyên, Đông Nam bộ cho tới ngày toàn thắng. 5 năm chiến đấu dũng cảm anh đã được thưởng nhiều huân, huy chương cao quý...

Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, anh ra quân và nuôi lại ước mơ. Đầu tiên, anh ôn luyện kiến thức và thi đậu vào Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn với điểm khá cao. Sau 4 năm học tập, anh nhận bằng tốt nghiệp loại giỏi - cử nhân Triết học, rồi về dạy học ở Trường cấp 2-3 Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Sau đó, anh được cấp trên cử đi học ở Trường Chính trị Quốc gia TPHCM để tạo cán bộ “nguồn”. Tốt nghiệp, anh xin về dạy Triết học ở Trường Cao đẳng Sư phạm Cửu Long, tỉnh Vĩnh Long. Tại đây, anh lập gia đình với cô Võ Thị Kim Thanh, rồi xin chuyển về định cư ở quê vợ tại xã An Bình, TP Cần Thơ. Anh được tổ chức phân về dạy tại Trường Tài chính Kế toán, rồi  trường Trung cấp Nông nghiệp tỉnh Hậu Giang (cũ) do yêu cầu bố trí của tổ chức.

Hơn 10 năm giảng dạy, anh thuyên chuyển tới 4 trường. Ở đâu anh cũng thể hiện bản lĩnh anh bộ đội Cụ Hồ, luôn đấu tranh chống lại những hiện tượng tiêu cực và quan niệm sai trái trong giáo dục. Vì thế khi tinh giản biên chế trong danh sách có tên anh.

Về địa phương, với vai trò người đảng viên, anh tham gia công tác xã hội, làm Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường An Bình rồi cán bộ khuyến nông của tỉnh Hậu Giang (cũ). Anh mày mò đọc sách kỹ thuật về giống cây trồng, đi thực tế xuống tận vườn ruộng, trao đổi trực tiếp với bà con nông dân về các giống lúa mới, về phân bón, cây trồng, vật nuôi, mô hình VAC… được bà con rất yêu mến. Gia đình 4 miệng ăn mà chỉ trông vào đồng lương của vợ và còn phải cưu mang thêm những đứa em, cháu ngoài Bắc chuyển vào kiếm kế sinh nhai, nên anh đã tranh thủ làm đủ nghề, như: nuôi heo, cá, đạp xe ôm, dệt thảm cói lát, xe đay, bán bánh bao, kem dạo, chở hàng thuê.

Dù làm việc gì, An Bằng Đung vẫn nhớ về bảng đen phấn trắng mà mình đã làm bạn hơn 10 năm. Năm 1995, được sự giúp đỡ của Sở GD - ĐT TP Cần Thơ, anh  trở lại nghề dạy học tại Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng Cần Thơ.

Thầy giáo An Bằng Đung bên tượng Anh hùng liệt sĩ Lý Tự Trọng

Làm giàu bằng nghị lực

Nhiều đêm không ngủ được, anh nghĩ: Mình có chút năng khiếu về mỹ thuật, tại sao không phát huy? Vốn yêu thích hội họa, điêu khắc từ nhỏ, lại được một số anh em, bè bạn truyền cho vài bí quyết về đắp tượng, anh quyết tâm thử tay nghề, bắt tay vào nghiên cứu các giáo trình mỹ thuật, điêu khắc về tượng. Và niềm vui đã mỉm cười với anh khi bức tượng đầu tiên anh tạc là chân dung Bác Hồ ở tư thế bán thân. Anh đã quan sát và xem rất nhiều tranh tượng về Bác của các nhà điêu khắc, họa sĩ tài năng. Cuối cùng, anh đã tìm ra được điều thần diệu nhất ở Bác là đôi mắt.Văn phòng Tỉnh ủy Cần Thơ (cũ) là nơi nhận tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đầu tiên của anh. Từ đó, anh được nhiều đơn vị khác, đặc biệt là các trường học đặt làm tượng Bác để thờ và các tượng về danh nhân, anh hùng, liệt sĩ…

Bức tượng chân dung người anh hùng “Lý Tự Trọng bất tử ở tuổi 17” của anh đặt ở khuôn viên Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng Cần Thơ rất sinh động, đã đem về cho anh khoản tiền 38 triệu đồng. Với số tiền này, anh đầu tư mở rộng xưởng vẽ và kết hợp chăn nuôi, trồng trọt. Tiếp theo là các tượng anh hùng liệt sĩ Nguyễn Việt Dũng cho Trường THPT bán công Nguyễn Việt Dũng, tượng anh hùng lao động thời kỳ đổi mới Trần Ngọc Hoằng - nguyên giám đốc Nông trường Sông Hậu, tượng danh nhân Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác, tượng cố nhà thơ Lâm Thao...

Ngoài việc tạc tượng, vẽ tranh, anh còn dạy luyện thi vào các trường đại học kiến trúc, xây dựng, mỹ thuật, nghệ thuật... Hiện nay, hàng tuần có hơn 50 học sinh theo học tại nhà. Được dạy học là niềm vui, anh muốn truyền sự đam mê mỹ thuật tới những học sinh có năng khiếu.

Với số tiền tích lũy được, anh mua thêm đất, phát triển mô hình VAC (vườn - ao - chuồng) khép kín, nhân giống nhiều loại cây cảnh, nuôi cá tai tượng, cá điêu hồng, ba ba, gà thả vườn trên diện tích gần 3.000m2. Mỗi năm, anh thu hoạch vài trăm triệu đồng từ cá, ba ba, cây cảnh. Đặc biệt là những chậu mai kiểng bonsai, được uốn lượn độc đáo qua đôi mắt và bàn tay khéo léo của “nhà điêu khắc” nên dịp tết luôn được khách hàng đặt mua trước. Tiền bán mai kiểng dịp tết, mỗi năm cũng được vài chục đến cả trăm triệu đồng.

Hai con trai của anh đều là học sinh giỏi đoạt giải quốc gia của Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng (Cần Thơ). Con đầu của anh là An Võ Đức Anh tốt nghiệp loại xuất sắc khoa Cơ khí hàng không Trường Đại học Bách khoa TPHCM, được cử sang Nhật học thạc sĩ rồi sang Mỹ làm nghiên cứu sinh, lấy bằng tiến sĩ về ngành hàng không vũ trụ. Con trai thứ hai là An Võ Tuấn Anh tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ - khoa tiếng Pháp, hiện là giảng viên Trường Đại học Cần Thơ và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ở Pháp. Vợ anh - chị Võ Thị Kim Thanh, nguyên Phó Chủ nhiệm khoa Quản lý nhà nước của Trường Chính trị TP Cần Thơ, đã nghỉ hưu từ 2007, cho biết: “Gia đình tôi khi từ Vĩnh Long chuyển về Cần Thơ chỉ hai bàn tay trắng với túp lều tranh, mấy chục mét vuông đất ba má cho. Có những lúc khó khăn tưởng không thể vượt qua. May nhờ nghị lực của anh ấy nên bây giờ mới được thế này”.

Có thể nói anh là người có “bàn tay vàng”, có ý chí và nghị lực, không đầu hàng trước hoàn cảnh, không cam chịu cái nghèo, biết vươn lên làm giàu bằng chính chất xám và cơ bắp của mình.

Vĩ thanh

Trong cuộc thi kể chuyện về gương điển hình “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng, anh đã kể về chính cuộc đời mình vượt gian khổ như thế nào và làm theo lời Bác để có được những thành công như hôm nay, người nghe đã rớt nước mắt và khâm phục ý chí và nghị lực của anh. Anh rất tâm đắc mấy câu thơ của Tố Hữu và luôn dặn lòng mình:

Ta có Bác dẫn đường đi trước
Bác cùng ta mỗi bước gian lao
Vui sao buổi hành quân nắng lửa
Bỗng gặp Người lưng ngựa đèo cao.

Anh thường dặn các con và học sinh: Mỗi lúc gặp khó khăn trở ngại, khi cuộc đời còn nhiều “nắng lửa” hãy Tiến lên phía trước trên cao ấy/ Bác vẫn giơ tay đón lại gần.

Trời đã xế chiều, chia tay anh lòng tôi cứ xốn xang xen lẫn bịn rịn khi nhìn người bạn đồng nghiệp gần 60 tuổi tóc muối tiêu, nhiều nét nhăn trên mặt nhưng nụ cười rất tươi vẫn ôm ấp nhiều hoài bão về tạc tượng và nghề “trồng người”. Xiết chặt tay nhau, tôi cầu mong anh luôn “chân cứng đá mềm” để những dự định của người thầy giáo “đa tài” giàu nghị lực này sớm trở thành hiện thực và vươn xa hơn nữa.

LÊ XUÂN

Tin cùng chuyên mục