Thế giới tỷ phú - Kỳ 1: Kẻ cười người khóc

Cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong 60 năm qua đã làm thay đổi vị trí những người siêu giàu trên thế giới. Có người mất danh hiệu tỷ phú, có người dính vào vòng lao lý, nhưng cũng không ít người giàu thêm và nổi lên trong khủng hoảng. ĐTTC tập hợp những câu chuyện của thế giới siêu giàu, qua dữ liệu của các công ty nghiên cứu và qua lời kể những người trong cuộc.
Thế giới tỷ phú - Kỳ 1: Kẻ cười người khóc

(SGGP-ĐTTC).- Cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong 60 năm qua đã làm thay đổi vị trí những người siêu giàu trên thế giới. Có người mất danh hiệu tỷ phú, có người dính vào vòng lao lý, nhưng cũng không ít người giàu thêm và nổi lên trong khủng hoảng. ĐTTC tập hợp những câu chuyện của thế giới siêu giàu, qua dữ liệu của các công ty nghiên cứu và qua lời kể những người trong cuộc.

Kỳ 1: Hơn ai hết, giới siêu giàu là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất từ cuộc khủng hoảng kéo dài hơn 2 năm qua khi bị mất phần lớn tài sản gần như chỉ sau một đêm. Phản ứng với thực tế đó, đa số có thái độ tiêu cực nhưng cũng không ít tỷ phú xem khủng hoảng là cơ hội để mở rộng “đế chế”.

Mất hơn 3 tỷ USD/tháng

Có lẽ không ai mất của nhanh hơn tỷ phú người Ấn Độ Anil Ambani, ông chủ của hãng truyền thông Reliance Communications, khi mất tới 30 tỷ USD chỉ trong 9 tháng. Từ tháng 3 đến cuối tháng 12-2008, tài sản của Ambani đã rơi từ  42 tỷ USD xuống 12 tỷ USD do cổ phiếu sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, ông không phải là người chịu mất mát nhiều nhất. Tỷ phú Nga Oleg Deripaska, đại gia ngành khai khoáng mất gần 35 tỷ USD từ năm 2007 đến năm 2008, khi tài sản bị teo tóp từ hơn 40 tỷ USD xuống còn 4,9 tỷ USD. Tính theo tỷ lệ của cải bị mất mát, triệu phú John McAfee, người sáng lập công ty cung cấp phần mềm chống virus nổi tiếng McAfee, có thể đứng hàng số 1. Khủng hoảng đã “gọt” tới 96% tài sản của ông, từ 100 triệu USD xuống còn 4 triệu USD tính đến tháng 8-2009. Tháng 8-2009, dữ liệu của Forbes cho biết tổng tài sản của 400 người giàu nhất Hoa Kỳ năm 2009 ước tính 1.270 tỷ USD, giảm 300 tỷ USD so với năm 2008 (1.570 tỷ USD).

Dù vậy, các tỷ phú kém may mắn kể trên vẫn chưa phải là những người mất mát nhiều nhất. Trong thực tế, có người đã mất cả mạng sống hoặc phải ngồi tù vì khủng hoảng. Năm 2008, tỷ phú giàu thứ 94 của thế giới và là người giàu thứ 5 ở Đức, ông Adolf Merckle, tự tử do thua lỗ đậm. Tháng 9-2008, tỷ phú Kirk Stephenson, Giám đốc điều hành Công ty Olivant, đã lao vào một đoàn tàu tại ga xe lửa ở phía Tây London (Anh). Hai ngày trước lễ Giáng sinh năm 2008, tỷ phú Rene-Thierry Magon de la Villehuchet được phát hiện chết trong văn phòng làm việc ở New York (Hoa Kỳ) với hai vết cứa trên cổ tay và một lọ thuốc. Ông mất tới 1,4 tỷ USD do đầu tư với “siêu lừa” Bernard Madoff. Trong khi đó, tháng 6-2009, siêu lừa Madoff bị tòa án New York tuyên án 150 năm tù giam do lừa đảo hơn 50 tỷ USD. Hành vi lừa đảo của Madoff  bị phát hiện do khủng hoảng khiến các khách hàng cũ giàu có của ông đua nhau rút lại tiền đầu tư, trong khi khách hàng mới gần như không có.

Bất chấp khủng hoảng, Lễ hội triệu phú vẫn diễn ra rôm rả tại Matxcơva, Nga vào cuối năm ngoái.

Bất chấp khủng hoảng, Lễ hội triệu phú vẫn diễn ra rôm rả tại Matxcơva, Nga vào cuối năm ngoái.

Được ăn cả, ngã về không

Tuy nhiên, nhiều tỷ phú lại xem khủng hoảng như một cơ hội để làm giàu. Những người này tận dụng sự hỗn loạn để mua lại các công ty với giá hời. Nổi bật trong số các tỷ phú chơi trội này phải kể đến thiên tài đầu tư Warren Buffett với phương châm nổi tiếng “Hãy sợ hãi khi người khác tham lam và hãy tham lam khi mọi người sợ hãi”. Buffett giành tới 2 chỗ trong top 10 thương vụ đình đám nhất năm 2009 do tạp chí TIME bình chọn. Quý III-2008, trong khi nhiều nhà đầu tư đang sợ hãi và tìm cách rút khỏi thị trường vốn, Buffett lại mạnh tay vung tiền vào. Chỉ trong vòng hai tuần, ông đã mua hàng tỷ USD cổ phiếu của Constellation Energy, General Electric... Đình đám nhất là vụ đầu tư 5 tỷ USD vào cổ phiếu ưu đãi của Goldman Sachs ngày 24-9-2008. Ngày 3-11-2009, ông tiếp tục làm thế giới lên cơn sốt khi tuyên bố mua lại hãng đường sắt Burlington Northern Santa Fe (BNSF). Khoản đầu tư vào vụ mua bán này có giá trị lên tới 44 tỷ USD, trở thành thương vụ lớn nhất trong lịch sử của Tập đoàn Berkshire Hathaway. Ngay Buffett cũng thừa nhận việc đầu tư vào Burlington Northern không chỉ là hạng mục đơn thuần vào công ty này mà là “canh bạc” và ông tin rằng sẽ thành công.

Cùng ý tưởng săn các công ty tài chính “đại hạ giá” do khủng hoảng là người giàu nhất Hồng Công Li Ka-Shing. Tháng 10-2008, khi người gửi tiền xếp hàng dài trước cửa chi nhánh Ngân hàng Đông Á (BEA) do lời đồn về sự thua lỗ của ngân hàng này, ông Li lại tung tiền mua cổ phiếu của BEA. Với tài sản 26,5 tỷ USD và cái “mác” nhà đầu tư thành công nhất châu Á, động thái của ông Li như một sự “bảo lãnh” cho BEA, giúp cổ phiếu của ngân hàng này tăng 4% ngay sau đó. Tại Nga, tỷ phú Mikhail Prokhorov, ông chủ của tập đoàn khai thác mỏ Norilsk Nickel cũng quyết định tung tiền thâu tóm những công ty tài chính đang mất giá vì khủng hoảng. Người đàn ông sở hữu 19,5 tỷ USD, nổi tiếng ăn chơi xa hoa này, mua một nửa ngân hàng đầu tư Renaissance Capital của Nga và một công ty tài chính nhỏ hơn có tên APR-Bank.

Kỳ 2: Lời người trong cuộc

Văn Cường

Tin cùng chuyên mục