Thế trận trong cuộc chiến chống tội phạm

Theo báo cáo của Bộ Công an, trong năm 2018, tỷ lệ phá các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng trên cả nước đạt 88,53%. Năm 2018 cũng ghi dấu ấn nghiệp vụ khi hầu hết các trọng án giết người với hành vi man rợ và cướp ngân hàng gây rúng động dư luận đều được điều tra phá án rất nhanh. Công tác đấu tranh với tội phạm ma túy cũng đạt nhiều kết quả nổi bật, các lực lượng chức năng đã đánh đúng, đánh trúng nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn xuyên quốc gia, triệt phá được một số tụ điểm phức tạp về ma túy.

Thực tế trong cuộc chiến chống tội phạm, các lực lượng chức năng đã gặp phải rất nhiều khó khăn, nguy hiểm. Hoạt động của các băng nhóm tội phạm ngày càng hung hãn, tinh vi và xảo quyệt, có tổ chức, thậm chí nhiều trường hợp còn có sự đan xen, gắn kết với người có quyền lực để hoạt động phạm tội. Có những băng tội phạm ma túy trang bị nhiều súng đạn, chất nổ, sẵn sàng liều mạng chống trả khi bị phát hiện. Tại nhiều nơi, bọn tội phạm hoạt động rầm rộ trong lĩnh vực tín dụng đen, hung hăng cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật. Đã xuất hiện nhiều hành vi phạm tội sử dụng công nghệ cao, sử dụng vũ khí gây án, cướp ngân hàng, lừa đảo mạo danh cơ quan công quyền, buôn người, xâm hại trẻ em... 

Chủ động ứng phó với tình hình mới phức tạp, công tác giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ pháp luật, bảo vệ nhân dân của ngành công an đã khẩn trương, quyết liệt hơn, xây dựng lực lượng vững mạnh, nâng cao nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ, mở các đợt tấn công tội phạm với sự tận tâm, tận lực, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các biện pháp nghiệp vụ. Các cơ quan bảo vệ pháp luật nâng cao chất lượng công tác điều tra, xử lý tội phạm, phối hợp đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án trọng điểm. Chính những nỗ lực toàn diện của các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng cả hệ thống chính trị và người dân cả nước đang tạo được thế trận mạnh mẽ trong cuộc tấn công trấn áp tội phạm. 

Với trình độ kỹ thuật khoa học hình sự hiện nay, cơ quan điều tra dễ dàng xác định hung thủ qua dấu vân tay, qua dấu vết ADN, qua thông tin trên mạng xã hội...; định vị hung thủ qua sóng điện thoại, qua địa chỉ IP của máy tính nối mạng... Đặc biệt, hệ thống camera giám sát của các địa phương, các cơ quan và các nhà dân được trang bị ngày càng nhiều dọc theo các tuyến đường đã thực sự là “mắt thần chống tội phạm”. Qua hệ thống camera giám sát, cơ quan điều tra có thông tin chính xác về nhân dạng, hành vi phạm pháp và hành trình tẩu thoát của thủ phạm sau khi gây án. Các thông tin truy nã tội phạm với nhận dạng khá cụ thể được công bố trên báo đài và cả trên mạng xã hội đã được nhân dân quan tâm một cách có trách nhiệm và có ý thức cảnh giác, nên trong quá trình phá án, cơ quan điều tra nhận được rất nhiều tin báo của nhân dân. Đây là nguồn thông tin quý giá để đánh giá, phân tích, nhận định phục vụ công tác điều tra. 

Nhìn ở một góc độ khác, tuy kết quả phá các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt tỷ lệ rất cao, nhưng đối với ngành công an, nên xác định đó là trách nhiệm chứ không phải là chiến công. Ở vụ trọng án cô sinh viên Cao Mỹ Duyên đi giao gà bị sát hại ở TP Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) vào chiều 30 Tết Kỷ Hợi, cơ quan điều tra vừa bắt giữ được 5 nghi phạm về các hành vi cướp tài sản, giam giữ người trái pháp luật, hiếp dâm, tàng trữ trái phép chất ma túy và giết người. Tuy nhiên, dư luận không khỏi bức xúc khi biết rằng nạn nhân bị bắt cóc, giam giữ, hãm hiếp suốt 3 ngày, nhưng đã không được giải cứu kịp thời, dù chỉ 2 tiếng sau khi mất liên lạc gia đình đã báo công an và những kẻ gây án đều là những kẻ có tiền án, tiền sự ở địa phương, không khó khoanh đối tượng để điều tra. Phải chăng người dân vẫn chưa được bảo vệ một cách nhanh chóng, hiệu quả trước cái ác?

Mong rằng, trong cuộc chiến chống tội phạm, cần phải tiếp tục kết hợp chặt chẽ giữa công tác phòng ngừa xã hội với phòng ngừa nghiệp vụ. Không chỉ dồn sức điều tra các vụ trọng án, mà vụ án nào cũng cần được vào cuộc một cách hết sức trách nhiệm, phối hợp chính xác, nhuần nhuyễn và kịp thời, để tạo hiệu ứng răn đe, trấn áp. Công an các địa phương cần thường xuyên rà soát các vụ việc có dấu hiệu hoạt động xã hội đen và các trường hợp mâu thuẫn phát sinh trong đời sống sinh hoạt, làm ăn, kinh doanh của người dân, đặc biệt là các mâu thuẫn kéo dài, có nguyên nhân do vay nợ, chiếm dụng vốn... để tiến hành các biện pháp giải quyết dứt điểm, không để kéo dài dẫn đến phức tạp, có thể gây ra các vụ trọng án. Cần tăng cường hoạt động tuần tra và phản ứng nhanh, đồng thời giúp người dân có ý thức cảnh giác, trang bị cho dân kỹ năng phòng ngừa tội phạm, góp phần đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương. Có như vậy, xã hội sẽ dần ít đi những vụ trọng án, cuộc sống người dân sẽ bình yên và hạnh phúc hơn.

Tin cùng chuyên mục