Người dân Phú Quốc gìn giữ tài sản quốc gia

Báo Mỹ The Christian Science Monitor (CS Monitor) số ra ngày 20-3 đã có bài viết về ngành công nghiệp nước mắm tại đảo Phú Quốc, Việt Nam. Bài này cũng được tờ báo Mỹ khác, báo The Seattle Times, đăng lại trong ngày. Xin trích giới thiệu cùng bạn đọc.

Bà Nguyễn Thị Tình kéo một mẫu nước mắm ủ từ năm 2006 từ chiếc bể chứa bằng gỗ, ngửi chất lỏng màu vàng nâu. Một cái mùi đặc trưng cùng với vị mặn nồng và mùi cá không lẫn vào đâu.Nếu nước Pháp nổi tiếng với rượu cognac thì mùi vị nước mắm của bà Tình chính là một tài sản quốc gia của Việt Nam mà người ta không thể tìm thấy ở nơi nào khác.

Mọi người đều đồng ý rằng loại nước mắm ngon nhất xuất phát từ đảo Phú Quốc. Người dân trên đảo chỉ dùng loại cá cơm đen hạng nhất, nguồn nguyên liệu thiên nhiên của đảo, cùng cách chế biến truyền thống để sản xuất nước mắm hàng thế kỷ qua.

Dù bạn du lịch ở bất cứ nơi đâu tại Việt Nam, bạn không bao giờ rời xa nước mắm, một đặc sản giàu protein dùng trong ẩm thực có thể ăn kèm với bất cứ món ăn chính nào khác. Các nước như Thái Lan và Campuchia cũng sản xuất nước mắm nhưng không hoàn toàn giống với cách của người Việt. Phó Chủ tịch bộ phận thực phẩm thuộc tập đoàn Unilever tại Việt Nam, ông Ashok Mittal, nói: “Mỗi miếng thức ăn mà người dân Việt Nam cho vào miệng hoặc được nấu hoặc chấm với nước mắm”.

Ngày nay, Phú Quốc đang thay đổi và ngành công nghiệp nước mắm cũng đang thay đổi. Trước nhu cầu gia tăng, ngày càng nhiều gia đình đến với ngành công nghiệp này. Hiện nay cả đảo Phú Quốc có 80 nhà sản xuất nước mắm. Năm 2001, Chính phủ Việt Nam ra quy định chỉ những sản phẩm sản xuất và đóng chai tại Phú Quốc mới được dán nhãn Phú Quốc. Điều này tạo cho nước mắm Phú Quốc bản quyền tương tự như rượu và phomát của châu Âu.

Từ năm 2002, tập đoàn Anh-Hà Lan Unilever xây một nhà máy nước mắm 1 triệu USD tại Phú Quốc và bán nước mắm Phú Quốc nhãn hiệu Knorr. Hiện sản phẩm của tập đoàn này chiếm 1/3 lượng nước mắm hạng nhất của Phú Quốc, gây khó khăn cho nhiều nhà sản xuất nhỏ ở địa phương. Ngoài ra, nguồn cá cơm đen đặc trưng của biển Phú Quốc ngày càng hiếm, buộc ngư dân phải đánh bắt xa hơn, cũng đang gây khó khăn đầu vào cho ngành công nghiệp.

Tuy vậy, người dân Phú Quốc đã đến với cuộc chơi mới: làm du lịch. Trước nhu cầu du lịch ngày càng cao của người dân Việt Nam, những bãi biển Phú Quốc đang chuyển đổi thành các khu resort.

Người dân Phú Quốc đang muốn đưa Phú Quốc thành điểm đến du lịch nổi tiếng của Đông Nam Á. Nhiều người làm nước mắm như bà Tình nay chuyển sang mở thêm khách sạn. Du khách có thể mua nước mắm tại đây. Bằng cách này, người dân Phú Quốc có thể tiếp thị tốt hơn sản phẩm truyền thống của mình.

HUY QUỐC

Tin cùng chuyên mục