Nên học nhiều hay học ít?

Cách đây không lâu Nhật Bản tiến hành cải cách giáo dục, trong đó buộc học sinh phải học nhiều hơn. Bộ Giáo dục Nhật lập luận rằng, các chỉ số giáo dục của học sinh Nhật Bản đã giảm sút. Ở Mỹ cũng thế, sau khi các tỷ lệ khảo sát được công bố cho thấy học sinh phổ thông Mỹ học môn toán kém hơn học sinh các nước khác, ngành giáo dục nước này cũng yêu cầu học sinh phải tăng thêm giờ học ở trường.

Thế nhưng tại Nga, dự thảo chương trình cải cách giáo dục quy định tiêu chuẩn mới cho trường phổ thông lại có quan điểm ngược lại. Báo Sự thật Đoàn Thanh niên Komsomol đưa tin ngày 15-2, Bộ Giáo dục Nga giới thiệu lấy ý kiến của công chúng về dự thảo tiêu chuẩn giáo dục mới. Dự thảo gồm 3 phần: Các yêu cầu về kết quả học tập; các yêu cầu cho các chương trình giáo dục ở các trường học để đạt được những kết quả này và phần thứ ba - các yêu cầu cho quá trình giáo dục. Mục đích của tiêu chuẩn mới là tăng tính cạnh tranh của nền giáo dục Nga từng một thời lừng lẫy với những thành tựu nghiên cứu khoa học, nhưng nay đã tụt hậu so với nhiều nước.

Nội dung dự thảo có phần đáng chú ý là giảm thiểu kiến thức dạy trong trường trung học, mà chú ý nhiều đến khả năng tư duy của học sinh. Và lần đầu tiên tiêu chuẩn nói đến rèn luyện khả năng tư duy phản biện cho học sinh và khả năng tự ra quyết định. Nhưng các nhà giáo có kinh nghiệm phản đối kịch liệt. Họ nói thay vì giảm bớt kiến thức thì cần giúp học sinh kế  thừa những kiến thức cơ bản kết hợp rèn luyện khả năng tư duy và thích ứng môi trường. Nhìn chung là dư luận Nga đang tranh cãi giữa hai quan điểm: học nhiều kết hợp tư duy và học ít kết hợp tư duy.

Những người ủng hộ cải cách thì cho rằng chương trình học ở phổ thông quá nặng, ôm đồm nhiều môn học mà có khi không cần thiết cho nghề nghiệp sau này. Họ lấy bằng chứng là kết quả bi quan của cuộc khảo sát mới đây ở Nga trên 1.600 người về những kiến thức cơ bản. Có đến 32% cho rằng Trái đất là trung tâm Hệ Mặt trời. Học sinh Nga thường cho rằng môn thiên văn học không có ích cho nghề nghiệp tương lai nên không quan tâm đến môn này.  Kết quả này cũng trùng hợp với một kết quả khảo sát của Tổ chức Hợp tác và Phát triển (OECD) trong học sinh Nga, cho thấy đa số các em không biết vận dụng kiến thức đã học ở trường vào cuộc sống thực tế.

Những người soạn thảo tiêu chuẩn mới cho rằng, nhiệm vụ chính của trường phổ thông hiện nay là cung cấp thật nhiều kiến thức cho học sinh, thay vì rèn cho các em khả năng tư duy độc lập, kỹ năng tự quyết định. Kết quả là chương trình nhà trường bị quá tải, còn học sinh thì đơn giản là không thể tiếp thu tất cả các môn học, nên cũng không thể phát triển tư duy độc lập.

Những người phản đối giảm lượng kiến thức ở trường thì khẳng định đó là hậu quả của việc học quá ít, cái gì cũng lớt phớt, không đi sâu nghiên cứu. Vì vậy họ yêu cầu phải cho học sinh học nhiều hơn. Một số người trung dung thì kêu gọi cần phải có quyết định đúng đăn bởi nó ảnh hưởng đến tương lai thế hệ trẻ, và quan trọng đừng nhảy từ thái cực này sang thái cực khác một cách vội vàng.

Minh Châu

Tin cùng chuyên mục