Nông nghiệp - chìa khóa xóa đói giảm nghèo

Chống thất thoát lương thực
Nông nghiệp - chìa khóa xóa đói giảm nghèo

Theo bà Danielle Nierenberg, Giám đốc dự án Nourishing the Planet thuộc World Watch, tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại New York, nông nghiệp thường bị coi là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng môi trường. Tuy nhiên, World Watch nhấn mạnh, nông nghiệp chính là giải pháp chứ không phải là nguyên nhân. Từ đó, World Watch đề xuất 15 biện pháp về chống lãng phí thực phẩm, phát triển toàn diện nông nghiệp quy mô lớn…

Một vườn rau được trồng trên mái nhà tại Brooklyn, Mỹ.

Một vườn rau được trồng trên mái nhà tại Brooklyn, Mỹ.

Chống thất thoát lương thực

Một trong những điểm chính được các chuyên gia của World Watch chú ý là việc giảm thiểu lãng phí thực phẩm. Theo bà Danielle Nierenberg, có từ 20-50% lương thực thu hoạch trên toàn cầu bị lãng phí trước khi đến tay người tiêu dùng.

World Watch đã chỉ ra một số kinh nghiệm đang được nông dân một số nước áp dụng. Ở Pakistan, nông dân giảm thiểu đến 70% lương thực bị thất thoát sau thu hoạch khi không sử dụng bao đay hoặc các thùng chứa lương thực làm bằng bùn. Thay vào đó, họ dùng các thùng làm bằng kim loại. Còn tại Tây Phi, khoảng 100.000 quả xoài được bảo quản bằng cách dùng máy sấy năng lượng mặt trời làm khô sau thu hoạch…

Nông trại tại thành thị

Một đề xuất khác cũng rất được chú ý là việc tổ chức nông nghiệp ở ngay trong thành phố. Đề xuất này xuất phát từ thực tế di dân từ nông thôn vào thành thị đang diễn ra nhanh chóng trên toàn cầu. LHQ ước tính khoảng 70% dân số thế giới sẽ sống tại thành thị vào năm 2050 và vấn đề lương thực sẽ trở thành mối lo thực sự.

Chỉ tính riêng vùng hạ Sahara đã có khoảng 14 triệu người/năm chuyển vào thành phố. Việc thực hiện các dự án nông nghiệp tại các thành phố sẽ giúp cải thiện an ninh lương thực, tăng thêm thu nhập và cải thiện đáng kể môi trường tại các khu đô thị.

World Watch dẫn một ví dụ cụ thể về phát triển nông nghiệp thành thị hiệu quả ở Kibera, gần thủ đô Nairobi, Kenya. Người dân ở đây có thể tự cung cấp được nhiều loại thực phẩm với diện tích rất nhỏ. Họ lập một loại nông trại gọi là “nông trại thẳng đứng”.

Theo đó, họ khâu các bao đựng đất, đục những lỗ xung quanh rồi gieo hạt. Với loại hình nông trại này, nhiều cây sẽ được trồng ở các tầng khác nhau. Họ có thể để 3 bao kiểu như vậy trong một sân sau nhà nhỏ hoặc sân thượng, hoặc ban công. Tại Nairobi, dạng nông trại kiểu này đang ngày càng trở nên quan trọng khi giúp các gia đình không phải mua rau ngoài chợ.

Theo bà D.Nierenberg, cách làm trên hoàn toàn có thể áp dụng được ở các thành phố lớn khác trên thế giới như Bangkok, Bắc Kinh, hay New York.

Bảo vệ lợi ích các nước nghèo

Vấn đề lấy đất tràn lan tại châu Phi hiện nay được World Watch nhấn mạnh. Với sức ép về giá thực phẩm tăng cao, các nước giàu có hơn như Saudi Arabia, Trung Quốc… đang mua đất của người nông dân châu Phi với giá rẻ để tăng năng suất nông nghiệp của họ.

Điều này đã dẫn đến việc bóc lột chính những người nông dân có đất canh tác nhỏ ở châu Phi, gây ảnh hưởng đến an ninh lương thực của họ. Vì vậy, thỏa thuận hợp tác đầu tư rõ ràng giữa nước ngoài và các nông dân có đất là đặc biệt cần thiết.

Theo bà D.Nierenberg, các tổ chức quốc tế nên hợp tác cùng nhau, có một quy định có tính quốc tế liên quan đến vấn đề này để đảm bảo quyền lợi cho người nông dân…

World Watch không đưa ra được con số ước tính chi phí để thực hiện 15 đề xuất trên là bao nhiêu. Tuy nhiên, World Watch tin rằng sẽ không tốn quá nhiều tiền và khoản chi lớn nhất là để thuyết phục các nhà hoạch định chính sách ở các nước. Nếu những biện pháp này được áp dụng, con số khoảng 1 tỷ người còn thiếu đói hiện nay trên toàn cầu sẽ được giảm xuống đáng kể trong vòng 5 - 10 năm tới.

Ngoài ra, sẽ có một khoản tăng đáng kể trong đầu tư nông nghiệp cho các dự án nông nghiệp có hiệu quả và giúp phát triển nông nghiệp ở địa phương.

Đỗ Văn

Tin cùng chuyên mục