Thách thức chờ tân Thủ tướng

Sáng 4-7, Ủy ban bầu cử Thái Lan cho biết toàn bộ số phiếu bầu trong cuộc tổng tuyển cử đã được kiểm, theo đó đảng Puea Thai giành được 265 ghế trong tổng số 500 ghế ở Hạ viện trong khi đảng Dân chủ của đương kim Thủ tướng Abhisit Vejjajiva chỉ giành được 159 ghế. Dù chiến thắng áp đảo nhưng chính phủ tương lai của bà Yingluck Shinawatra, em gái cựu Thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra, sẽ đối mặt với không ít khó khăn và thách thức trong bối cảnh Thái Lan trải qua 5 đời thủ tướng chỉ vỏn vẹn trong vòng 5 năm.
Thách thức chờ tân Thủ tướng

(SGGPO).- Sáng 4-7, Ủy ban bầu cử Thái Lan cho biết toàn bộ số phiếu bầu trong cuộc tổng tuyển cử đã được kiểm, theo đó đảng Puea Thai giành được 265 ghế trong tổng số 500 ghế ở Hạ viện trong khi đảng Dân chủ của đương kim Thủ tướng Abhisit Vejjajiva chỉ giành được 159 ghế. Dù chiến thắng áp đảo nhưng chính phủ tương lai của bà Yingluck Shinawatra, em gái cựu Thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra, sẽ đối mặt với không ít khó khăn và thách thức trong bối cảnh Thái Lan trải qua 5 đời thủ tướng chỉ vỏn vẹn trong vòng 5 năm.

  • Chính phủ của liên minh 5 đảng

Cuộc bầu cử này được xem là bước đi quan trọng để định hướng tương lai đất nước và đưa Thái Lan thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài gần 6 năm qua. Ngay sau khi kết quả chính thức cuộc bầu cử được công bố, Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva tuyên bố ông quyết định từ chức chủ tịch đảng Dân chủ. Theo tuyên bố của ông Abhisit, đảng Dân chủ sẽ tổ chức một phiên họp toàn thể trong vòng ba tháng tới để lựa chọn người lãnh đạo kế nhiệm ông.

Đại diện 5 đảng liên minh thành lập chính phủ mới của tân Thủ tướng Yingluck Shinawatra (giữa).

Đại diện 5 đảng liên minh thành lập chính phủ mới của tân Thủ tướng Yingluck Shinawatra (giữa).

Về khả năng thành lập chính phủ liên minh, cùng ngày, đảng Puea Thai đã nhanh chóng đạt được một thỏa thuận với 4 đảng nhỏ từng là đồng minh dưới thời của cựu Thủ tướng Thái Lan bị lật đổ Thaksin Shinawatra là Chart Thai Pattana, Chart Pattana Pheupandin, Palangchon và Mahachon để thành lập chính phủ mới.

Theo AFP, 5 đảng này sẽ chiếm 299 ghế trong tổng số 500 ghế ở Hạ viện. Như vậy Puea Thai đã cô lập đối thủ là đảng Dân chủ với việc thành lập chính phủ liên hiệp 5 đảng, là điều mà đảng Dân chủ cũng đã từng áp dụng vào năm 2007.

  • Phối hợp tốt với quân đội

Trước bầu cử, nhiều đồn đoán cho rằng quân đội đang đối mặt với nguy cơ bị thanh lọc nếu bà Yingluck trở thành thủ tướng để “trả thù” cho việc chính phủ của anh trai bà bị đảo chính năm 2006.

Về mối quan hệ với quân đội, giới quan sát cho rằng một điều hết sức quan trọng là đảng Puea Thai phải tiến bước trên con đường nhằm tạo ra sự hiểu biết với quân đội. Nếu bà Yingluck trở thành thủ tướng, bà sẽ phải thỏa hiệp với tướng Prawit Wongsuwon - Bộ trưởng Quốc phòng sắp mãn nhiệm của Thái Lan.

Phát biểu với báo giới sáng ngày 4-7, tướng Prawit tuyên bố quân đội chấp nhận chiến thắng của đảng Puea Thai. Đây là động thái giúp làm lắng dịu nguy cơ về một cuộc đảo chính mới. Bên cạnh đó giới quan sát nhận định đảo chính là lựa chọn mà tướng Prawit không muốn thực hiện bởi Bangkok sẽ tràn ngập phe “áo đỏ” ủng hộ bà Yingluck. Tuy nhiên, nếu chính phủ của đảng Puea Thai thanh lọc quân đội (nhất là những người từng góp tay lật đổ ông Thaksin năm 2006), ông Prawit không còn lựa chọn nào khác.

Tương tự, nhà phân tích chính trị có uy tín của Thái Lan Kan Yuenyong chia sẻ: “Đảo chính là kịch bản tồi tệ nhất nhưng không thể không tính tới nếu “gia đình Thaksin” nắm lại quyền lực. Quân đội có những bài học trong quá khứ và họ sợ ông Thaksin trả thù”.

Bên cạnh quân đội, Puea Thai còn có đối thủ là Liên minh vì Dân chủ (hay còn gọi là “áo vàng”). Lực lượng ủng hộ phe thủ cựu và đảng Dân chủ này rất có thể lại xuống phố tuần hành, biểu tình và gây áp lực như trong quá khứ, đe dọa gây bất ổn ở Thái Lan. Do đó, để tránh nguy cơ bị đảo chính, bị phe “áo vàng” phá rối, và quan trọng hơn là ổn định đất nước, Puea Thai phải thực hiện chính sách hòa giải dân tộc, hợp tác với quân đội.

  • Tiếp tục chính sách dân túy và hòa giải dân tộc

Trong chiến dịch tranh cử của mình, bà Yingluck cam kết sẽ phục hồi các chính sách dân túy nổi tiếng của anh trai vì chính nhờ những chính sách này mà cựu Thủ tướng Thaksin mới chiếm được chỗ đứng trong lòng nhiều người dân Thái Lan lâu đến như vậy.

Tuy nhiên, chính sách dân túy với những cam kết của Puea Thai đưa ra khi tranh cử, nếu thực hiện hết, sẽ không thể vực dậy nền kinh tế đang giảm sút do sản xuất đình trệ. Chẳng hạn, với cam kết tăng lương tối thiểu 30%, lên 300 baht (khoảng 10 USD/ngày), nhiều doanh nghiệp Thái Lan chắc chắn phải ngừng hoạt động do không có đủ khả năng trả lương cho người lao động. Khi đó tình trạng thất nghiệp, bất ổn xã hội và mâu thuẫn chính trị sẽ lại nổi lên như những hệ lụy khó tránh khỏi.

Bên cạnh đó, một trong những thách thức lớn nhất của nữ thủ tướng tương lai chính là làm sao mở được nút thắt của vấn đề hòa hợp và hòa giải dân tộc trong xã hội, chấm dứt giai đoạn đầy rối loạn và chia rẽ ở nước này mà 5 đời thủ tướng trước chưa làm được. Đây là tiền đề then chốt để bà phục hồi và phát triển kinh tế đất nước.

Trong khi nhiều cử tri Thái Lan đang hân hoan chờ đón một nữ thủ tướng đầu tiên trong lịch sử của mình thì cũng không ít nhà phân tích cho rằng việc bà Yingluck giành chiến thắng có thể sẽ châm ngòi cho một sự bất ổn mới tại đất nước Chùa Vàng.

Theo bình luận của tờ Bangkok Post, nếu bà Yingluck ân xá cho ông Thaksin về nước thì tình trạng bất ổn của Thái Lan sẽ còn tiếp diễn... Tuy vậy, từ Dubai ông Thaksin bắn tin nếu sự trở về của ông gây bất ổn đất nước, ông sẽ chọn cách đứng bên ngoài. 

HẠNH CHI

- Thông tin liên quan:

>> Em cựu Thủ tướng Thaksin sẽ trở thành Thủ tướng Thái Lan

>> Sáng 3-7, tại Thái Lan: Tổng tuyển cử diễn ra trên cả nước

>> Bầu cử Thái Lan - Cuộc đua song mã

Tin cùng chuyên mục