Nguy cơ sập “bẫy thu nhập trung bình”

“Bẫy thu nhập trung bình” rình rập
Nguy cơ sập “bẫy thu nhập trung bình”

Tại Hội nghị LHQ về cân bằng tăng trưởng kinh tế và củng cố xã hội diễn ra ở thủ đô Bangkok (Thái Lan) ngày 16-3, Tổng Thư ký Hội nghị LHQ về thương mại và phát triển (UNCTAD), Supachai Panitchpakdi cảnh báo các nền kinh tế châu Á cần tránh tự mãn để khỏi rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”.

Trung Quốc có lợi thế nhờ nguồn nhân công rẻ.

Trung Quốc có lợi thế nhờ nguồn nhân công rẻ.

“Bẫy thu nhập trung bình” rình rập

Hồi tháng 5-2011, Hội nghị thường niên lần thứ 44 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã cảnh báo, các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng tại châu Á đang đứng trước nguy cơ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”. Cách đây vài ngày, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vẫn nhận định: “bẫy thu nhập trung bình” đang rình rập tất cả các nước đang phát triển tại châu Á…”. Nhưng theo giới phân tích, đã có một số quốc gia sập bẫy này.

Trước hết là Trung Quốc. Căn cứ vào số liệu thống kê mới nhất, tổng thu nhập nội địa (GDP) bình quân đầu người của Trung Quốc đã vượt qua ngưỡng 4.000 USD, bước vào hàng ngũ các nước có thu nhập trung bình. Song nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này đã xuất hiện hiện tượng giống như ở những nước từng rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” như tăng trưởng kinh tế thiếu động lực bền vững, phân hóa giàu nghèo, đô thị hóa quá mức, thiếu hụt dịch vụ công, khó khăn trong tạo việc làm...

Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines... đều là các quốc gia có thu nhập trung bình từ hàng chục năm trước, nhưng tới nay vẫn loay hoay trong giai đoạn phát triển thu nhập GDP bình quân đầu người từ 2.000 - 5.000 USD. Philippines là quốc gia điển hình về tình trạng vướng “bẫy thu nhập trung bình”, khi mất hàng thập kỷ không thể vượt qua ngưỡng 2.000 USD. Indonesia cũng mất hơn một thập kỷ để từ trên 1.000 USD vượt lên hơn 2.000 USD. Còn Thái Lan cũng mất hơn hai thập kỷ mới vượt qua con số 3.000 USD.

Tăng trưởng kinh tế gắn chặt củng cố xã hội

Mặc dù có nhiều nền kinh tế đã nổi lên từ toàn cầu hóa với động lực tài chính thúc đẩy, đặc biệt là các nền kinh tế Đông Á, nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn không đồng đều giữa các nước đang phát triển. Khủng hoảng và các cú sốc kinh tế đã tái xuất hiện ở nhiều khu vực. Chỉ riêng tăng GDP sẽ không nâng nổi tất cả các con thuyền kinh tế các nước mà còn kéo theo bất bình đẳng tăng thêm, đẩy hàng chục triệu người vào tình cảnh nghèo khổ.

Theo Tổng Thư ký UNCTAD Supachai, để tránh bẫy thu nhập trung bình, các nền kinh tế châu Á cần củng cố xã hội và tăng đầu tư vào giáo dục, phát triển kỹ năng và năng lực công nghệ để tăng sức cạnh tranh trong các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao. Ông nhấn mạnh, không thể lựa chọn thúc đẩy riêng biệt tăng trưởng kinh tế hoặc củng cố xã hội vì 2 vấn đề này gắn chặt với nhau trong tiến trình phát triển. Cần thúc đẩy một đường lối thực tế hơn đối với các chính sách, các thành phần chủ chốt tăng cường nội hàm việc làm của tăng trưởng, cải thiện phân phối thu nhập và đảm bảo sự tham gia đầy đủ của phụ nữ.

“Bẫy thu nhập trung bình” là khái niệm chỉ tình trạng một quốc gia thoát nghèo gia nhập vào nhóm nước có thu nhập trung bình nhờ có nguồn tài nguyên và những lợi thế ban đầu nhất định (như nguồn nhân lực giá rẻ). “Bẫy thu nhập trung bình” xảy ra khi một nước bị mắc kẹt tại mức thu nhập trung bình nhiều thập kỷ mà vẫn không vượt qua được ngưỡng đó để trở thành quốc gia phát triển dựa trên năng suất và đổi mới.

Hạnh Chi

Tin cùng chuyên mục