Hội nghị thượng đỉnh Nhật - Trung - Hàn: Hợp tác hơn đối đầu

Tiến gần đến FTA 3 bên
Hội nghị thượng đỉnh Nhật - Trung - Hàn: Hợp tác hơn đối đầu

Hội nghị thượng đỉnh thường niên lần thứ 5 giữa 3 nền kinh tế lớn châu Á, trong đó có 2 nền kinh tế lớn thứ nhì và thứ ba của thế giới diễn ra hôm nay, 13-5 tại Bắc Kinh, sẽ tập trung vào các vấn đề hợp tác kinh tế và an ninh, trong đó đáng chú ý là kinh tế.

Lãnh đạo các nước: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc tại Hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào năm ngoái.

Lãnh đạo các nước: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc tại Hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào năm ngoái.

Tiến gần đến FTA 3 bên

Cuộc họp thượng đỉnh Nhật-Trung-Hàn diễn ra trong bối cảnh căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên, cũng như các vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa 3 nước này vẫn còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Tuy nhiên, mục đích chính của hội nghị thượng đỉnh mà Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak muốn nhắm tới là tăng cường hợp tác trong các vấn đề kinh tế, tài chính, giáo dục và đối phó với thiên tai.

Theo dự kiến, tuyên bố chung của 3 nhà lãnh đạo này sẽ bao gồm một hiệp định thiết lập cơ sở về pháp lý để bảo vệ các nhà đầu tư của nước này tại 2 nước kia. Ngoài ra, cũng trong tuyên bố chung, 3 bên sẽ đề ra thời hạn chót, có thể vào cuối năm 2012, để kết thúc các cuộc đàm phán về việc ký kết Hiệp định tự do thương mại (FTA) của 3 nước này.

Theo báo Manchini, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Yukio Edano cho rằng, với vị trí địa lý gần nhau cũng như quy mô thương mại và giá trị mậu dịch, việc 3 nước ký kết FTA sẽ tạo ra một tác động lớn trong nỗ lực đẩy mạnh hợp tác kinh tế của cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo số liệu của IMF, 3 nước Đông Bắc Á này chiếm 22% dân số, 19,6% GDP và 17,5% kim ngạch thương mại toàn cầu trong năm 2010.

Theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, nếu ký FTA 3 bên, GDP của Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ lần lượt tăng lên 0,3%, 0,4% và 2,8%.

Vì lợi ích chung

Giữa Trung Quốc và Nhật Bản hiện vẫn đang tranh chấp đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư), giữa Hàn Quốc và Nhật Bản tranh chấp đảo Dokdo tại Hàn Quốc (Nhật Bản gọi là Takeshima) và tranh chấp giữa Trung Quốc với Hàn Quốc tại đảo Leodo (phía Trung Quốc gọi Tô Nham Tiều).

Ngoài ra, cả 3 nước cũng đã nhiều lần bắt giữ tàu cá của nước này xâm phạm vào nước kia. Tuy nhiên, những căng thẳng như vậy đã không ngăn cản nỗ lực để Tokyo, Bắc Kinh và Seoul ngồi lại với nhau.

Học giả kiêm chuyên gia về chính sách thương mại quốc tế tại viện American Enterprice, ông Clade Barfield, cho rằng việc 3 nước đàm phán FTA từ năm 1999 cho thấy họ có lợi ích chung. Theo ông, từ cách đây 10 năm, Trung Quốc đã có tầm nhìn về thương mại nội khối Đông Á trong khi Nhật Bản và Hàn Quốc, dù có e ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc, vẫn rất cần một đối tác kinh tế lớn như Trung Quốc.

Ông Richard Bush III, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Bắc Á thuộc viện Brooking (Mỹ), cho rằng: “Tôi thật sự tin rằng 3 cường quốc Đông Á chia sẻ lợi ích trong việc kiềm chế các hành động từ CHDCND Triều Tiên nhưng họ có cách tiếp cận khác nhau. Nhật Bản và Hàn Quốc thiên về chính sách cứng rắn với Bình Nhưỡng trong khi Trung Quốc chuộng cách ôn hòa”.

Còn riêng về sự trỗi dậy của Trung Quốc, ông Bush nhận định, điều đó sẽ dẫn đến nhiều vấn đề căng thẳng trong khu vực nhưng thực tế Trung Quốc là nước đang và sẽ có ảnh hưởng đến thương mại của toàn Đông Á trong nhiều năm, thậm chí cả thập kỷ tới. Nhưng dù sao, đã có cơ chế thảo luận thì Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ không quá lo ngại về khả năng căng thẳng vượt quá tầm kiểm soát.

Khánh Minh

Tin cùng chuyên mục