Iran nhượng bộ về hạt nhân

Ngày 23-5, Iran và 6 nước trong nhóm P5+1 (5 nước thường trực Hội đồng Bảo an LHQ và Đức) ngồi vào bàn đàm phán tại Iraq nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng hạt nhân kéo dài hơn 3 năm qua. Cuộc đàm phán diễn ra trong bối cảnh Iran đang có những dấu hiệu nhượng bộ về hạt nhân, mở ra hy vọng về việc phá vỡ bế tắc trong vòng đàm phán lần này.
Iran nhượng bộ về hạt nhân

Ngày 23-5, Iran và 6 nước trong nhóm P5+1 (5 nước thường trực Hội đồng Bảo an LHQ và Đức) ngồi vào bàn đàm phán tại Iraq nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng hạt nhân kéo dài hơn 3 năm qua. Cuộc đàm phán diễn ra trong bối cảnh Iran đang có những dấu hiệu nhượng bộ về hạt nhân, mở ra hy vọng về việc phá vỡ bế tắc trong vòng đàm phán lần này.

  • Bước tiến quan trọng

Phát biểu sau chuyến thăm Iran ngày 21-5, Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Amano cho biết ông và trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran Saeed Jalili đã quyết định ký một thỏa thuận hợp tác khung trong các vấn đề chủ chốt nêu trong Hiệp ước chống phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) như giải trừ hạt nhân, ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân và sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Hai bên đồng thời bày tỏ hy vọng tiến triển của cuộc hội đàm sẽ có tác động tích cực tới cuộc đàm phán giữa Iran và nhóm P5+1.

Hãng tin AP cho biết, Iran đã thực hiện một bước tiến đầu tiên trước vòng đàm phán khi cho phép các quan sát viên của LHQ điều tra một cơ sở quân sự từng bị nghi ngờ là địa điểm thử hạt nhân bí mật của nước này.

Bên trong cơ sở hạt nhân Busher của Iran.

Bên trong cơ sở hạt nhân Busher của Iran.

Trước khi diễn ra vòng đàm phán P5+1, Chủ tịch Quốc hội Ali Larijani nhấn mạnh phương Tây nên thể hiện thái độ mới trong vòng đàm phán sắp tới, cuộc đàm phán mang tính xây dựng ở Baghdad sẽ là nhân tố đảm bảo an ninh khu vực. Iran cũng đưa ra tuyên bố cho biết nước này vừa đưa thêm hai thanh nhiên liệu hạt nhân làm giàu trong nước ở cấp độ 20% tới lò phản ứng nghiên cứu tại thủ đô Tehran.

Nhận định về hoạt động làm giàu hạt nhân của Iran, Tiến sĩ Sadeq Zibakalam, giảng viên khoa học chính trị của Trường Đại học Tehran, cho rằng Nhà nước Hồi giáo sẽ tiếp tục bảo lưu quyền làm giàu uranium ở mức độ thấp.

Theo Tiến sĩ Zibakalam, Iran có thể sẽ chấp thuận từ bỏ các hoạt động làm giàu uranium 20% nếu các cường quốc trong nhóm P5+1 dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Iran và đồng ý cho nước này được làm giàu uranium 3,5% để phục vụ mục đích dân sự. Giới chức Iran cũng kêu gọi các nước phương Tây thay đổi thái độ đối với chính phủ Iran cũng như chương trình hạt nhân của nước này, đồng thời phải chấm dứt ngay các biện pháp trừng phạt Iran.

  • Mỹ thận trọng, Israel nghi ngờ

Trong lúc Iran tỏ những dấu hiệu nhượng bộ với mục đích phương Tây chấm dứt các lệnh cấm vận vào nước này thì Mỹ lại dè dặt bày tỏ hoan nghênh thỏa thuận có thể sẽ đạt được giữa Iran và IAEA. Washington sẽ tiếp tục gây sức ép đến khi Tehran chứng tỏ bằng hành động liên quan chương trình hạt nhân gây tranh cãi của quốc gia Hồi giáo này. Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney tuyên bố vẫn bỏ ngỏ mọi phương án, gồm những nỗ lực đàm phán ngoại giao cũng như việc sử dụng vũ lực.

Người phát ngôn Nhà Trắng khẳng định Mỹ sẽ chỉ đánh giá thái độ của Iran trên cơ sở các hành động cụ thể, chứ không phải thông qua các lời hứa và thỏa thuận. Washington chờ đợi việc Tehran cho phép các thanh sát viên quốc tế tiếp cận với các cơ sở hạt nhân, các tài liệu và các nhà khoa học hạt nhân của nước này để xác định liệu chương trình hạt nhân của quốc gia Hồi giáo này thực sự phục vụ các mục đích hòa bình hay không.

Giới chức Isarel thì bày tỏ sự nghi ngờ đối với thỏa thuận trên do Iran trước đây đã từng nhiều lần vi phạm các thỏa thuận với IAEA, đồng thời lập luận rằng thỏa ước trên có thể bị phá vỡ bất cứ lúc nào. Thủ tướng Israel Netanyahu còn kêu gọi các cường quốc không nên lùi bước trước Iran.

Trước những diễn biến mới xung quanh tình hình hạt nhân Iran, giá dầu mỏ thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 7 tháng qua. Tại New York, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 7-2012 đã giảm 78 cent xuống còn 91,07 USD/thùng. Tại London, giá dầu thô Brent biển Bắc giao tháng 7-2012 giảm 69 cent xuống còn 107,72 USD/thùng. 

THANH HẰNG (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục