Gói kích thích kinh tế Mỹ, Trung Quốc: Gây “sốt” giá vàng, dầu

Trước thông tin Mỹ và Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiếp tục tung ra các gói kích thích nhằm đẩy mạnh đà phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng, giá vàng thế giới đã lập mốc cao kỷ lục tính từ đầu tháng 5 trong phiên giao dịch vào ngày 22-8.
Gói kích thích kinh tế Mỹ, Trung Quốc: Gây “sốt” giá vàng, dầu

Trước thông tin Mỹ và Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiếp tục tung ra các gói kích thích nhằm đẩy mạnh đà phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng, giá vàng thế giới đã lập mốc cao kỷ lục tính từ đầu tháng 5 trong phiên giao dịch vào ngày 22-8.

  • Giá cả đi trước quyết định

Theo tờ Economic Times, kết thúc phiên giao dịch vào cuối ngày 22-8 giờ địa phương (sáng 23-8 giờ Việt Nam), giá vàng trên thị trường Mỹ đã tăng 0,7% lên 1.665 USD/ounce, mức cao nhất kể từ ngày 1-5 năm nay. Giá vàng giao tháng 12 ở Mỹ cũng tăng lên 1,5%, chạm mức 1.665 USD/ounce. Trong phiên giao dịch tại châu Á ngày 23-8, giá dầu ngọt, nhẹ tăng 79 cent lên 98,05 USD/thùng. Giá dầu Brent biển Bắc giao tháng 10 tăng 1,04 USD/thùng, chốt mức 119,95 USD/thùng. Giá dầu tại thị trường châu Á tăng được cho là xuất phát từ thông tin Trung Quốc sẽ tung ra gói kích thích kinh tế sau vài tháng thị trường tài chính có dấu hiệu suy giảm.

Hãng tin AFP cho biết, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tuyên bố sẽ thực hiện gói kích thích mới tương đối sớm, trừ khi tình hình kinh tế được cải thiện đáng kể. Vòng ba của chiến dịch mua lại trái phiếu quy mô lớn này còn được gọi là gói nới lỏng định lượng (QE3). Cuối năm 2009, FED đã tung ra chương trình mua trái phiếu lớn chưa từng có (QE1) để thúc đẩy nền kinh tế và tăng cường tín dụng khi chi ra 1.700 tỷ USD để mua trái phiếu dài hạn và trái phiếu thế chấp. Trong năm 2010, khi nhận thấy đà phục hồi diễn ra ảm đạm, FED quyết định mua thêm 600 tỷ USD trái phiếu (QE2).

FED cho rằng có rất nhiều mối nguy hiểm đang làm yếu nền kinh tế, khiến GDP nước này chỉ tăng 1,5% trong quý 2. Các rủi ro này bao gồm khủng hoảng nợ tại châu Âu, ngân sách bị cắt giảm mạnh và thuế tăng cao. Tuy nhiên, một vài thành viên của FED cũng bày tỏ lo ngại về gói QE3. Họ cho rằng, việc mua nhiều trái phiếu chính phủ hoặc chứng khoán bảo đảm bằng tài sản có thể bóp méo thị trường trái phiếu. Trong khi những người khác lại nhận định việc này sẽ làm tăng bất ổn tài chính hoặc khiến dự đoán lạm phát dài hạn tăng cao. Nhiều quan chức FED ủng hộ việc lùi thời gian nâng lãi suất, dự định vào cuối năm 2014.

Tuy nhiên, họ đã dời thời hạn quyết định sang phiên họp tiếp theo, vì khi đó, ngân hàng trung ương sẽ công bố các số liệu dự đoán kinh tế mới. Chủ tịch FED Ben Bernake có thể sẽ đưa ra nhiều tín hiệu về các động thái tiếp theo của FED trong bài diễn văn tại Jackson Hole, bang Wyoming tuần tới. Phiên họp tiếp theo của FED sẽ diễn ra vào ngày 12 đến 13-9.

  • Châu Âu vẫn loay hoay với khủng hoảng nợ công

Cũng theo Economic Times, ngoài gói kích thích kinh tế từ Mỹ và Trung Quốc, giới đầu tư đang trông đợi vào kết quả cuộc họp giữa Đức, Pháp và Hy Lạp thảo luận về giải quyết nợ công châu Âu.

Hãng Reuters cho biết, ngày 23-8, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande có buổi hội đàm để thảo luận về yêu cầu của Hy Lạp muốn kéo dài thời gian thực hiện các điều kiện của chương trình thắt lưng buộc bụng thêm hai năm nữa, nhằm cải thiện sự ổn định nợ công và tạo ra triển vọng tăng trưởng. Kế hoạch kéo giãn chương trình thắt lưng buộc bụng kêu gọi điều chỉnh từ các khoản cắt giảm chi tiêu trong bốn năm (2013-2016), thay vì trong hai năm (2013-2014). Lúc đó, thâm hụt ngân sách sẽ giảm 1,5%/năm so với mức 2,5%/năm theo thỏa thuận hiện tại. Hy Lạp sẽ cần thêm 20 tỷ EUR để hỗ trợ ngân sách khi mức giảm thâm hụt hàng năm trong năm 2013 và 2014 thấp hơn so với kế hoạch ban đầu. Hai nhà lãnh đạo sẽ có cuộc gặp riêng với Thủ tướng Hy Lạp Samaras vào ngày 24 và 25-8.

Tổng thống Pháp Hollande và Thủ tướng Đức Merkel trong cuộc gặp tại Berlin ngày 15-5.

Tổng thống Pháp Hollande và Thủ tướng Đức Merkel trong cuộc gặp tại Berlin ngày 15-5.

Ở Tây Ban Nha, quốc gia đang gặp khủng hoảng tài chính đã vay tổng cộng 375,5 tỷ EUR (465 tỷ USD) từ Ngân hàng Trung ương châu Âu trong tháng 7-2012. Khoản vay kỷ lục trên chứng tỏ tình hình tài chính của nền kinh tế lớn thứ tư trong khu vực đồng euro (Eurozone) đang trong tình trạng nguy ngập chưa từng có. Tình trạng phụ thuộc ngày càng lớn vào ECB cho thấy Tây Ban Nha ngày càng gặp khó khăn, nhất là trong việc huy động tiền mặt trên các thị trường tài chính để cứu hệ thống ngân hàng nước này bị rơi vào tình trạng kiệt quệ, do các khoản nợ khó đòi vì bong bóng bất động sản nổ tung từ năm 2008. Trong khi đó, tại Italia, nợ công của nước này trong tháng 6-2012 đã tăng lên mức cao kỷ lục là gần 2.000 tỷ EUR.

THANH HẰNG (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục