Nguyên nhân giá lương thực tăng

Nguyên nhân giá lương thực tăng

Nguy cơ thế giới thiếu lương thực do thiên tai gây ra chưa hết hoang mang dư luận thì gần đây, nhiều thông tin cho thấy giới đầu cơ lương thực vì hám lợi tiếp tục đẩy mặt hàng này vào tình thế bất an.

  • Thời tiết không thuận lợi

Những đợt hạn hán khắc nghiệt tại Mỹ đã đẩy giá lương thực từ lúa mì đến đậu nành tăng cao. Nguy cơ bị đói của 53 triệu người trên thế giới vẫn đang lơ lửng. Mỹ là nước xuất khẩu bắp và đậu nành lớn nhất thế giới nhưng tình hình hạn hán tại nhiều bang của Mỹ đã ảnh hưởng đến 75% sản lượng bắp và đậu nành, đẩy giá xuất khẩu 2 mặt hàng này tăng lên 18% đến 30% kể từ tháng 6.

Tại Ấn Độ, do lũ lụt kéo dài, sản lượng gạo cũng giảm từ 5% đến 8%. Nước xuất khẩu lúa mì hàng đầu thế giới như Nga và Ukraine cũng gặp hạn hán. Theo Bộ Nông nghiệp Nga, đợt hạn tại Nga bắt đầu từ tháng 5 tới nay khiến nước này chỉ thu hoạch được 45 triệu tấn lúa mì, ít hơn 20% so với năm 2011.

Theo Bloomberg, Nga có thể sẽ hết lúa mì thặng dư để xuất khẩu và sẽ trở lại việc hạn chế xuất khẩu mặt hàng này. Tháng 8-2010, Nga từng áp đặt lệnh cấm xuất khẩu lúa mì trong vòng 10 tháng sau đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 50 năm khiến sản lượng lúa mì giảm trầm trọng. Giá lúa mì từ đầu năm tới nay đã tăng 41% tại sàn giao dịch Chicago.

Tại miền Bắc Trung Quốc, những trận lũ tồi tệ nhất trong vòng 60 năm qua đã ảnh hưởng đến 1 triệu hécta đất canh tác, theo Tân Hoa xã. Trong khi nhiều khu vực khác của nước này lại bị hạn hán làm ảnh hưởng đến 5 triệu hécta đất trồng.

Ngày 23-4, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak đã viết thư tới các thành viên nhóm G20 kêu gọi có hành động chung nhằm bình ổn giá ngũ cốc. Ông Lee cảnh báo giá lương thực tăng đang đe dọa đến sự sống còn của người nghèo tại các nước đang phát triển. LHQ và các nước thành viên chủ chốt cũng đã yêu cầu Mexico, Chủ tịch G20, tổ chức hội nghị quốc tế về giá lương thực.

  • Làm giàu trước nguy cơ đói

Trong lúc thời tiết xấu ảnh hưởng đến mùa màng nhiều nơi trên thế giới, báo The Independent của Anh ngày 24-8 đã có bài viết cho rằng, ngoài nguyên nhân thời tiết, tình trạng đầu cơ tiếp tục đe dọa tới an ninh lương thực toàn cầu. Điều này cho thấy cần có quy định chặt chẽ hơn về an ninh lương thực toàn cầu nhằm ngăn ngừa tình trạng đầu cơ.

Tờ báo dẫn bình luận gần đây của ông Christopher Mahoney, Giám đốc Tập đoàn Glencore, một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới về hàng tiêu dùng và nông sản, cho rằng “cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu là cơ hội tốt để làm giàu”. Ông này cũng thừa nhận Glencore đã đạt lợi nhuận rất tốt kể từ khi hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 80 năm qua hoành hành nước Mỹ.

Người dân Bangladesh xếp hàng chờ phân phát lương thực.

Người dân Bangladesh xếp hàng chờ phân phát lương thực.

LHQ, các tổ chức cứu trợ và Chính phủ Anh đã lên án phát biểu của ông Mahoney. Nhiều ngân hàng cho biết đã ngay lập tức giữ khoảng cách với Glencore bằng cách loại ra khỏi danh sách các mặt hàng nông sản cho vay đầu tư của tập đoàn này. Nhà kinh tế kỳ cựu của Tổ chức Lương Nông LHQ, bà Concepcion Calpe, phát biểu trên tờ Daily Mail (Anh) rằng các nhà kinh doanh như Glencore đang lợi dụng cuộc khủng hoảng lương thực để làm giàu. Bà kêu gọi các công ty ngừng kinh doanh dựa trên nạn đói và nguy cơ đói của các nước nghèo. Bà cũng cho rằng bây giờ là lúc thay đổi các nguyên tắc và quy định để các công ty như Glencore, các công ty đa quốc gia khác như ADM và Monsanto không thể làm giàu vô đạo đức. Bà tố cáo chính các công ty này đã vận động trên toàn thế giới để chặn các cải cách quy định về lương thực.

Tập đoàn Glencore thành lập năm 1974, có trụ sở tại Thụy Sĩ nhưng niêm yết giá cổ phiếu tại sàn giao dịch chứng khoán London. Ngoài kinh doanh về sắt, thép, kẽm… Glencore còn kinh doanh các nông sản kể cả hạt giống, bông vải và đường. Hiện tập đoàn này có 57.000 nhân viên, doanh thu 145 tỷ USD năm 2011 và có tài sản trị giá 79 tỷ USD

THỤY VŨ tổng hợp

Tin cùng chuyên mục