Thái Lan: Tranh luận về tín nhiệm Thủ tướng

Bỏ phiếu bất tín nhiệm
Thái Lan: Tranh luận về tín nhiệm Thủ tướng

Cựu Phó Thủ tướng Thái Lan Suthep Thaugsuban tiếp tục kêu gọi người biểu tình chiếm các công sở nhà nước. Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra áp đặt đạo luật An ninh nội địa (ISA) khắp Bangkok. Quốc hội Thái Lan ngày 26-11 bắt đầu tranh luận về bỏ phiếu bất tín nhiệm thủ tướng… Những diễn biến dồn dập về chính trường Thái Lan cho thấy “ngòi nổ” đang rút ngắn dần!

Lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập Abhisit Vejjajiva (trái) chỉ trích Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra trong phiên tranh luận ngày 26-11.

Lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập Abhisit Vejjajiva (trái) chỉ trích Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra trong phiên tranh luận ngày 26-11.

Bỏ phiếu bất tín nhiệm

Từ 9 giờ 30 sáng 26-11 (giờ địa phương), phiên tranh luận đầu tiên về cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm bắt đầu. Bangkok Post cho biết, phiên tranh luận hết sức căng thẳng khi lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập, ông Abhisit Vejjajiva, cáo buộc Chính phủ Thái Lan đương nhiệm đã làm xói mòn sự ổn định kinh tế bởi các chính sách dân túy. Ông Abhisit cho rằng việc Thái Lan mất ngôi vị xuất khẩu gạo số 1 thế giới là do chính sách trợ giá nông dân của chính phủ làm giá gạo của Thái Lan cao hơn giá thị trường. Cựu Thủ tướng Thái Lan cũng cáo buộc rằng rất nhiều chính sách hiện đang tạo thuận lợi cho việc tham nhũng như chương trình thu mua tạm trữ gạo của chính phủ hiện nay. Theo ông Abhisit, rất nhiều cơ quan xác nhận chương trình này đã khiến kinh tế thiệt hại khoảng 400 tỷ baht (1 baht = 0,03 USD) nhưng nông dân chỉ nhận được ít hơn 200 tỷ baht trong 2 năm qua. “Nếu chương trình này vẫn tiếp tục được duy trì trong 7 năm nữa, nợ công của Thái Lan sẽ chiếm 60% GDP và đó là điều kiện cho tham nhũng hoành hành” - ông Abhisit nhấn mạnh.

Đáp lại, Thủ tướng Yingluck cho rằng chính phủ đang thực hiện tốt các chính sách kinh tế, góp phần nâng cao đời sống người dân và tăng GDP với mức tăng hiện tại đạt 6,5%. Về vấn đề tham nhũng, bà Yingluck cho hay chính phủ đã thực hiện một loạt biện pháp chống tham nhũng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như phát động các chiến dịch nâng cao nhận thức chống tham nhũng hay mở các trung tâm chống tham nhũng tại các bộ cũng như trung tâm chống tham nhũng quốc gia. Nữ Thủ tướng Thái Lan còn cho biết đã giao cho Hội đồng nhà nước xem xét liệu có thể cho phép các tổ chức công dân tham gia việc giám sát chống tham nhũng hay không.

Đến 15 giờ chiều cùng ngày, phiên tranh luận này kết thúc. Theo dự kiến, cuộc tranh luận thứ 2 và cũng là cuối cùng sẽ bắt đầu vào 10 giờ sáng hôm nay 27-11 và kết thúc vào lúc nửa đêm. Cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm có thể sẽ diễn ra vào ngày 28-11.

Một nghị sĩ của đảng Pheu Thai cầm quyền giấu tên cho biết cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm lần này sẽ là thử thách thật sự đối với Thủ tướng Yingluck. Nhưng nếu vượt qua được cuộc bỏ phiếu, uy tín của bà Yingluck sẽ được củng cố, giúp Chính phủ có thể thuận lợi hơn trong việc tiến hành các cải cách trong thời gian tới.

Tiếp tục biểu tình

Trong ngày 26-11, thêm 3 bộ nữa là Bộ Nông nghiệp, Giao thông, Thể Thao và Du lịch bị người biểu tình chiếm giữ. Sáng 26-11, khoảng 10.000 người, dẫn đầu là cựu Phó Thủ tướng Thái Lan Suthep Thaugsuban, đã tuần hành từ Tượng đài Dân chủ ở đại lộ Ratchadamnoen đến Cục Ngân sách. Đám đông biểu tình yêu cầu các cơ quan này ngừng ngay việc phân bổ tiền cho Chính phủ Thái Lan và mở cổng chính để vào bên trong. Đến đầu giờ chiều, các nhân viên của Cục Ngân sách chấp thuận mở cổng, người biểu tình xông vào chiếm tòa nhà và yêu cầu các nhân viên rời khỏi tòa nhà. Sau đó, ông Suthep cũng yêu cầu cựu nghị sĩ đảng Dân chủ Panich Vikitsreth dẫn 600 người biểu tình chiếm giữ tòa nhà Bộ Quan hệ công, kế sát Cục Ngân sách. Trước tình hình trên, Tòa án Hình sự Thái Lan đã phê chuẩn lệnh bắt ông Suthep Thaugsuban với cáo buộc kích động người biểu tình xâm phạm Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao ngày 25-11. Cảnh sát kêu gọi ông Thaugsuban ra đầu thú trước khi thi hành lệnh bắt giữ ông.

Trước đó, để tăng cường an ninh tại Bangkok, Thủ tướng Yingluck đã áp dụng ISA trên toàn Bangkok. Xuất hiện trong một chương trình đặc biệt trên tivi, bà Yingluck cho biết Chính phủ Thái Lan không có lựa chọn nào khác ngoài ban bố ISA khi mà người biểu tình đã chiếm giữ và phá hủy không ít tài sản công. Thủ tướng Thái Lan kêu gọi người dân không tiếp tay cho những người biểu tình vi phạm luật pháp, hợp tác với chính phủ để sớm đưa Bangkok trở lại yên bình. ISA được áp dụng từ ngày 18-10 vừa qua nhưng chỉ với 3 quận ở Bangkok. Khi ISA được ban bố đồng nghĩa với việc luật giới nghiêm được áp dụng.

ĐỖ CAO (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục