Ván cờ không lối thoát

Những năm gần đây, khu vực cao nguyên Golan ở biên giới Israel và Syria sau hàng chục năm biến động đã tương đối yên tĩnh. Nhưng với những gì đang diễn ra ở Syria tình hình đang thay đổi. Israel sắp hoàn tất bức tường nhằm ngăn chặn quân Syria vào lãnh thổ Israel vì điều trớ trêu là, dù Israel đang muốn lật đổ Tổng thống Syria Assad nhưng bất kỳ phe nào ở Syria giành chiến thắng thì Israel vẫn không thể yên.

Từ lâu, chế độ hiện tại của Syria là đồng minh của nhóm Hezbollah tại Lebanon mà nhóm này lại thường pháo kích vào lãnh thổ Israel. Bên cạnh đó, Syria cũng là đồng minh thân thiết của Iran, kẻ thù số một của Israel. Nên từ góc độ nào đó có thể nói Tổng thống Assad của Syria cũng là kẻ thù số một đối với Israel.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, đối với Israel, dẫu gì Tổng thống Assad cầm quyền còn ổn định hơn là sụp đổ. Tình trạng bất ổn tại Iraq, Afghanistan và gần đây là Libya, Ai Cập sau khi thay đổi chế độ hẳn buộc Tel Aviv phải suy nghĩ về viễn cảnh của Syria thời hậu chiến. Sau khi Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak sụp đổ, các tay súng tại bán đảo Sinai thường vượt biên giới tấn công vào Israel. Đứng trước dự báo như vậy, theo báo CS Monitor, cộng đồng người Do Thái ở cao nguyên Golan được lệnh cảnh giác cao và các tư lệnh quân đội ở đây cho biết đã lên phương án chiến lược phòng thủ một khi Syria rơi vào tình trạng vô chính phủ. Theo các quan chức Bộ Quốc phòng Israel, cao nguyên Golan có thể là điểm tập kết của các lực lượng thân Iran hay các nhóm thánh chiến một khi Tổng thống Assad ra đi.

Israel cũng lo ngại về việc kho vũ khí, nhất là vũ khí hóa học của Syria rơi vào tay lực lượng khủng bố có thể dùng để tấn công Israel, nhất là vào tay của Hezbollah. Điều đó sẽ là lợi thế cho Iran một khi Israel tấn công Iran. Vì vậy, vấn đề hiện tại của Israel không phải là bên nào ở Syria thắng mà là phải chặn mọi con đường tiếp tế vũ khí cho các nhóm chống Israel trong tình trạng tranh tối tranh sáng ở Syria. Vụ máy bay Israel không kích đoàn xe chở tên lửa đất đối không từ Syria tới Lebanon hồi cuối tháng 1 không nằm ngoài chủ trương này.

Nhiều nhà phân tích còn đi xa hơn khi cho rằng có thể Israel phải tham gia vào cuộc chiến tại Syria như đã từng diễn ra trong cuộc nội chiến ở Lebanon năm 1982. Khi đó Israel chiếm miền Nam Lebanon với danh nghĩa bảo vệ biên giới Israel và ngăn chặn lực lượng Hezbolah tràn vào nước này. Việc chiếm đóng kéo dài cho tới năm 2000.

Kịch bản mà phía Israel mong đợi nhất tại Syria là lực lượng Hồi giáo Sunni chiếm đa số lên cầm quyền thân thiện với Thổ Nhĩ Kỳ và đa số các nước vùng Vịnh. Nhưng nếu điều đó có thể xảy ra đi nữa thì sẽ không thể đến trước một thời kỳ bất ổn mà các tướng lĩnh Israel dự báo sẽ kéo dài từ 2 đến 3 năm. Nếu các cuộc tấn công vào lãnh thổ Israel xảy ra thường xuyên hơn, không loại trừ Israel phải lập vùng đệm trên cao nguyên Golan tại Syria theo kiểu tại miền Nam Lebanon. Và điều đó có nghĩa là Israel sẽ tái chiếm vùng cao nguyên này của Syria, dẫn đến một cuộc xâm lược mới của Israel vào nước láng giềng và khi đó tình thế sẽ càng phức tạp hơn. 

THỤY VŨ

Tin cùng chuyên mục