Trách nhiệm san sẻ

Mới đây, Cơ quan giám sát tài chính New York đã công bố quỹ thưởng tiền mặt của các công ty tại Phố Wall năm 2012 tăng 8% lên 20 tỷ USD do lợi nhuận tăng. Nhờ đó, mức thưởng trung bình của các nhân viên là 121.900 USD. Có những trường hợp, mức thưởng bỏ xa mức trung bình trên. Gần 32.400 nhân viên ở “đại” ngân hàng Goldman Sachs của Mỹ chia nhau gói tiền thưởng 12,9 tỷ USD. Vị chi, mỗi nhân viên nhận gần 400.000 USD!

Mới đây, Cơ quan giám sát tài chính New York đã công bố quỹ thưởng tiền mặt của các công ty tại Phố Wall năm 2012 tăng 8% lên 20 tỷ USD do lợi nhuận tăng. Nhờ đó, mức thưởng trung bình của các nhân viên là 121.900 USD. Có những trường hợp, mức thưởng bỏ xa mức trung bình trên. Gần 32.400 nhân viên ở “đại” ngân hàng Goldman Sachs của Mỹ chia nhau gói tiền thưởng 12,9 tỷ USD. Vị chi, mỗi nhân viên nhận gần 400.000 USD!

Nếu tính từ khi khủng hoảng kinh tế - tài chính bùng nổ từ năm 2008 đến nay, chưa bao giờ mức thưởng trung bình ở Phố Wall giảm dưới 120.000 USD/năm. Con số này buộc mọi người phải liên tưởng đến tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ hiện vẫn ở con số chưa an toàn: 7,8-7,9%, có khi vượt 10% ở thời điểm khó khăn nhất của cuộc khủng hoảng.

Còn nhớ, khi khủng hoảng bùng nổ, mọi người vỡ lẽ rằng nguyên nhân xuất phát từ các công ty tài chính ở Phố Wall. Họ đã quá dễ dãi, tắc trách khi cho khách hàng vay tiền mua bất động sản thông qua các hợp đồng cho vay dưới chuẩn, hình thành nên những khoản nợ xấu, lớn dần thành “khối u” làm suy yếu cả hệ thống kinh tế-tài chính. Chính phủ Mỹ đã phải bơm hàng trăm tỷ USD từ tiền thuế của dân để cứu các công ty trên, biện pháp tức thời để tránh thảm họa sụp đổ. Theo khảo sát và phân tích của nhiều chuyên gia kinh tế độc lập, thực chất, số vốn ngàn tỷ của những công ty tài chính tại Phố Wall may mắn lắm mới giúp họ hòa vốn.

Thêm nữa, lợi nhuận họ đang có cũng xuất phát từ hầu bao của người dân. Cứu họ thoát chết và cho họ số tiền lớn hơn gấp mấy lần mức lương cả năm của mình, người dân Mỹ quả đang chịu nhiều thiệt thòi! Đó cũng là lý do dẫn đến phong trào Chiếm lấy Phố Wall khởi phát ở thành phố New York từ tháng 9-2011. Họ biểu tình để phản đối sự hung hãn và tham lam của giới tài chính, chỉ ra sự ảnh hưởng của giới tài chính lên nền chính trị Mỹ, ảnh hưởng của tiền và các tập đoàn đối với nền dân chủ.

Nhìn sang châu Âu, Nghị viện châu Âu và Chủ tịch EU là Ireland giữa tuần qua đã đồng ý về cách thức triển khai việc thực hiện các quy định mới trong lĩnh vực ngân hàng. Cụ thể, các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí về một gói các điều luật tài chính mới, trong đó có việc quy định các khoản thưởng của giới lãnh đạo ngân hàng tối đa bằng mức lương cơ bản một năm. Quy định này xuất phát từ thực tế: hiện không có giới hạn pháp lý nào về các khoản tiền thưởng nên lãnh đạo các ngân hàng và các thương nhân hàng đầu hiện nay có thể nhận được khoản tiền thưởng lớn gấp nhiều lần mức lương cơ bản của họ, bất chấp ngân hàng đang bên bờ vực phá sản, bất chấp nợ công cao ngất. Đây cũng là hành lang pháp lý để bảo vệ tiền thuế của người dân, góp phần ổn định tài chính quốc gia. Ở Mỹ, tỷ phú Warren Buffet là một trong những người tạo nên hiện tượng gây nhiều tranh cãi khi kêu gọi tăng thuế đối với người giàu vì cho rằng các tỷ phú nước này được hưởng quá nhiều ưu đãi và đã đến lúc họ cần chia sẻ gánh nặng với đất nước.

Dù bản chất và mục đích duy nhất của giới kinh doanh-tài chính là sống vì lợi nhuận nhưng trên hết, vẫn cần sự sòng phẳng và công bằng giữa nhận và trả để có được sự phát triển bền vững lâu dài, không để cán cân quyền lợi quá lệch về một bên. Có lẽ đối với giới tài chính ở Phố Wall, trách nhiệm chia sẻ là điều xa xỉ? 

NHƯ QUỲNH

Tin cùng chuyên mục