Quốc hội Trung Quốc khóa 12 khai mạc: Cân bằng phát triển các vùng miền

Tái cơ cấu các bộ
Quốc hội Trung Quốc khóa 12 khai mạc: Cân bằng phát triển các vùng miền

Hôm nay 5-3, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (tức Quốc hội) Trung Quốc khóa 12 khai mạc kỳ họp thứ nhất. Nội dung quan trọng nhất trong kỳ họp kéo dài 10 ngày này sẽ là việc bầu ra các chức danh Chủ tịch nước và người đứng đầu Quốc vụ viện (Thủ tướng chính phủ).

Các đại biểu về tham dự kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 12 Trung Quốc.

Các đại biểu về tham dự kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 12 Trung Quốc.

Tái cơ cấu các bộ

2.987 đại biểu đại diện cho các giai tầng xã hội Trung Quốc sẽ tham dự các phiên họp tại Đại lễ đường nhân dân ở Bắc Kinh. Những đại biểu này sẽ biểu quyết thông qua danh sách các ứng viên cho các vị trí lãnh đạo chủ chốt như Phó Chủ tịch Tập Cận Bình được đề cử vào chức Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Lý Khắc Cường vào chức danh Thủ tướng. Nếu ông Tập Cận Bình đắc cử, tiến trình chuyển giao quyền lực được bắt đầu từ tháng 11 năm ngoái, khi đó ông Tập Cận Bình được bầu làm Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, sẽ hoàn thành.

Theo một thông báo được THX phát đi tối 28-2, kỳ họp Quốc hội Trung Quốc lần này còn có một nội dung quan trọng khác: thông qua một kế hoạch tái cơ cấu Quốc vụ viện. Tờ SCMP cho hay, mặc dù chi tiết của nỗ lực tái cơ cấu chính phủ vẫn chưa được công bố, nhưng mục tiêu của động thái củng cố chính phủ này là nhằm tạo ra “các siêu bộ” phối hợp với các cơ quan trung ương đang có những nhiệm vụ chồng chéo nhau trong các lĩnh vực rộng lớn như vận tải, truyền thông, năng lượng, tài chính và y tế.

Bộ Đường sắt có thể hợp nhất với các cơ quan giám sát đường bộ và đường hàng không. Bộ trên là một bộ lớn với 2,1 triệu nhân viên, có tòa án và lực lượng cảnh sát riêng và chuyên chở một lượng hành khách lớn mỗi năm. Đưa Bộ Đường sắt trở thành một “siêu bộ” được cho là một khả năng ưu tiên lớn. Bộ Văn hóa có thể tiếp nhận thêm các cơ quan phim ảnh, xuất bản và truyền hình. Cơ quan kế hoạch hóa gia đình có thể sẽ sáp nhập vào Bộ Y tế…

Những cuộc cải tổ tương tự đã diễn ra trong năm 2003 và 2008. Sau phiên họp Quốc hội tháng 3-2008, Trung Quốc cũng đã thành lập các “siêu bộ”, cắt giảm số lượng các bộ lớn xuống còn 27. 

Giải quyết các tồn tại

Trong chương trình nghị sự lần này, lãnh đạo và các đại biểu sẽ cùng thảo luận, tìm hướng giải quyết những vấn đề đang tồn tại trong xã hội Trung Quốc hiện nay gây ít nhiều bức xúc cho người dân.

Theo Reuters, nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập trường Đảng trung ương Trung Quốc vừa qua, Tổng Bí thư Tập Cận Bình lại tiếp tục kêu gọi các lãnh đạo hãy học tập gương của các bậc hiền triết xưa, đấu tranh chống tệ nạn tham nhũng. Kể từ khi được bầu làm Tổng Bí thư, ông Tập Cận Bình liên tục nhắc nhở phải đấu tranh chống tham nhũng và cảnh báo là tệ nạn này đe dọa sự tồn tại của Đảng Cộng sản Trung Quốc, gây ra các hậu quả tiêu cực cho xã hội Trung Quốc.

Trong những năm qua, thành tựu kinh tế Trung Quốc được thế giới ghi nhận khi quốc gia châu Á này vượt qua Nhật Bản trở thành nền kinh tế thứ 2 thế giới. Tuy nhiên,  sự phát triển này cũng kéo theo một loạt các vấn đề cần phải giải quyết như khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn, chính sách an sinh xã hội chưa thỏa đáng, suy thoái môi trường…

Ding Guangying, một lao động nhập cư tại Thượng Hải, cho biết mặc dù gia đình đang sống tại Thượng Hải, nhưng anh vẫn phải để con gái theo học ở quê nhà Sơn Đông bởi chính quyền Thượng Hải không cho phép trẻ em không có hộ khẩu được theo học các trường tại đây. Ding Guangying hy vọng rằng chính phủ mới của Trung Quốc sẽ tìm hướng giải quyết thỏa đáng cho vấn đề phát triển cân bằng giữa các vùng miền để người dân có một cuộc sống tốt hơn.

Đỗ Cao (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục