Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2014: Định hình tương lai thông qua quan hệ đối tác

Ngày 22-10, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Diễn đàn hợp tác châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2014 khai mạc tại Bắc Kinh, Trung Quốc, thảo luận về hướng phát triển trong tương lai của nền kinh tế 21 quốc gia thành viên.
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2014: Định hình tương lai thông qua quan hệ đối tác

Ngày 22-10, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Diễn đàn hợp tác châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2014 khai mạc tại Bắc Kinh, Trung Quốc, thảo luận về hướng phát triển trong tương lai của nền kinh tế 21 quốc gia thành viên.

Diễn đàn quan trọng

Theo Tân Hoa xã, với chủ đề chính “Định hình tương lai thông qua quan hệ đối tác” do Bộ Tài chính Trung Quốc chủ trì, Bộ trưởng Tài chính các nước thành viên APEC sẽ thảo luận 4 chủ đề: tình hình kinh tế vĩ mô khu vực và triển vọng; hợp tác đầu tư cơ sở hạ tầng; chính sách tài chính, thuế và cải cách thúc đẩy điều chỉnh kết cấu kinh tế.

Đây là một trong các hội nghị bộ trưởng chuyên ngành quan trọng nhất trong cơ chế APEC, là diễn đàn quan trọng để các nền kinh tế thành viên APEC thảo luận các vấn đề tài chính, tiền tệ quan trọng của khu vực và toàn cầu cũng như tiến trình hợp tác kinh tế khu vực. Bên cạnh đó là phát triển việc làm trong khu vực, chính sách thuế, cải thiện cơ sở hạ tầng, xu hướng phát triển bền vững. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và khu vực tiếp tục xu hướng hồi phục. Các bộ trưởng trao đổi, đánh giá về triển vọng kinh tế toàn cầu và khu vực trên cơ sở các báo cáo tổng quan của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cũng như cập nhật chính sách vĩ mô của các nền kinh tế lớn trong khu vực như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Dây chuyền sản xuất ô tô tại Nhật Bản.

Trong thời gian qua, những chính sách kích thích kinh tế và nới lỏng định lượng tiền tệ thực hiện tại Mỹ và Nhật Bản đã phát huy tác dụng, giúp cải thiện tình hình kinh tế và tăng tốc quá trình phục hồi tại các nền kinh tế này. Trong khi đó, tại Trung Quốc, tái cơ cấu kinh tế đang là ưu tiên hàng đầu nhằm giúp nền kinh tế thích ứng với giai đoạn hạ nhiệt tăng trưởng. Các bộ trưởng cũng dự kiến xem xét về việc cân nhắc tới cảnh báo của các tổ chức tài chính quốc tế về những tác động lan truyền mà chính sách vĩ mô tại các nền kinh tế lớn có thể ảnh hưởng tới thị trường tài chính quốc tế và sự ổn định tài chính tại các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi trong khu vực.

Cần thu hẹp khoảng cách phát triển

Trước thời điểm diễn ra hội nghị, Ủy ban Kinh tế và Xã hội châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP) của Liên hiệp quốc công bố bản báo cáo nhấn mạnh sự cấp thiết phải thu hẹp khoảng cách về hạ tầng và phát triển trong khu vực, cũng như khắc phục sự xuống cấp của môi trường nhằm đạt được sự tăng trưởng cao hơn, cân bằng và bền vững hơn. ESCAP ước tính châu Á - Thái Bình Dương cần khoản tiền 800 - 900 tỷ USD/năm để phát triển cơ sở hạ tầng. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng đang đối mặt với những thách thức bên ngoài, do tác động của các chính sách thương mại và tiền tệ mà chính phủ các nước phát triển đang thực hiện.

Trong báo cáo Triển vọng tăng trưởng châu Á của ADB cho biết, các nước châu Á vẫn là khu vực phát triển nhanh nhất trên thế giới, tuy tăng trưởng kinh tế tại một số nền công nghiệp lớn đang chậm lại do thiếu cải cách cơ cấu. ADB dự báo, tăng trưởng GDP của khu vực châu Á đang phát triển năm 2014 sẽ đạt 6,2% trước khi tăng lên 6,4% vào năm 2015. Trong đó, 3 nền kinh tế lớn nhất trong khu vực, gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia cần phải tăng cường cải cách cơ cấu để thúc đẩy tăng trưởng.

THANH HẰNG (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục