Nguy cơ khủng hoảng du lịch châu Á

Mặc dù đang trong giai đoạn bùng nổ nhưng ngành du lịch và lữ hành của châu Á được cảnh báo sẽ đối mặt với một cuộc khủng hoảng trong vài năm tới. Theo dự báo của Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) mới đây, đầu tư vào nguồn nhân lực trong ngành công nghiệp này đã không được chú trọng so với đầu tư vào cơ sở hạ tầng như xây dựng sân bay, khách sạn.

 Chủ tịch, Giám đốc điều hành WTTC, ông David Scowsill cho rằng sẽ xảy ra tình trạng thiếu trầm trọng những người có tài để hỗ trợ cho tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp này và nguyên nhân có thể gây tác động tới chất lượng của ngành công nghiệp trong vòng 10 năm tới. Theo ông Scowsill, nếu tình trạng này không được giải quyết ngay lập tức, có thể gây hậu quả nghiêm trọng đối với tăng trưởng kinh tế - xã hội được dự báo tại nhiều nước ở châu Á trong thập kỷ tới.

Cùng quan điểm với ông Scowsill, Phó Giám đốc điều hành Hội đồng Du lịch Singapore Neeta Lachmandas cũng cho rằng, mặc dù châu Á là một điểm trọng tâm trong hoạt động du lịch toàn cầu, nhưng khu vực này vẫn có nhiều thách thức cần phải vượt qua để nắm bắt cơ hội là ngành này được dự đoán sẽ thiếu khoảng 8 triệu việc làm trong vòng 15-20 năm tới.

Theo WTTC, chi tiêu của khách du lịch vì kinh doanh trên toàn thế giới ước tính đạt kỷ lục 1.180 tỷ USD trong năm nay, với gần 40% trong đó đến từ khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Khách du lịch Trung Quốc đi theo đoàn, với mức chi tiêu 225 tỷ USD năm 2013, đứng thứ hai sau du khách Mỹ đứng đầu xếp hạng thế giới với mức chi tiêu 274 tỷ USD. Ngành du lịch và lữ hành ở châu Á đã tăng trưởng gần 6% trong năm 2013, cung cấp 1 triệu việc làm mới và tạo ra 2.000 tỷ USD, chiếm khoảng 9% tổng sản phẩm quốc nội của khu vực này, vượt qua một số ngành công nghiệp khác như dịch vụ tài chính.

Ngoài nguy cơ khủng hoảng tài năng, ngành du lịch châu Á cũng đang đối mặt với cuộc khủng hoảng xuất phát từ dịch Ebola hiện nay. Không chỉ có Mỹ hạn chế khách du lịch từ vùng dịch Ebola, kể từ ngày 23-10 vừa qua, Triều Tiên đã đóng các cửa khẩu nhằm hạn chế du khách quốc tế. Cách đây 2 tháng, 21 du khách đến Thái Lan đã được giám sát sức khỏe vì có các triệu chứng nhiễm virus Ebola.

Mặc dù nguy cơ bùng phát dịch Ebola tại các nước châu Á được xác định là không cao nhưng chính phủ các nước vẫn đang tăng cường rất nhiều biện pháp phòng ngừa với sự tham gia của các hiệp hội khách sạn và các hãng hàng không. Mọi sân bay ở châu Á đã tăng cường biện pháp phòng thủ, sàng lọc hành khách đã đi du lịch từ các nước bị ảnh hưởng như đẩy mạnh giám sát tại sân bay, theo dõi nhiệt độ hành khách, nhanh chóng cách ly nếu phát hiện có chứa mầm bệnh…

Đại dịch Ebola cướp đi sinh mạng của hơn 4.500 người, hiện được xem là cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng nhất trong lịch sử thế giới hiện đại. Một mối lo ngại đang dấy lên là Ebola có thể lây lan qua đường hàng không và có thể những thông tin về dịch bệnh Ebola bùng phát khiến nhiều người ái ngại không dám đi máy bay. Thời gian dịch Ebola hoành hành ác liệt ở Tây Phi càng lâu thì khả năng gây thiệt hại cho ngành công nghiệp du lịch thế giới nói chung, châu Á nói riêng là càng lớn.

HẠNH CHI

Tin cùng chuyên mục