Không chỉ là cặp kính

Mỗi màu sắc, kiểu dáng, kích thước của các gọng kính đều có sẵn tại cửa hàng Eyeglass City ở Bắc Kinh, Trung Quốc - một trung tâm thương mại 4 tầng với vô số các gian hàng nhưng chỉ kinh doanh một mặt hàng là kính đeo mắt. Chỉ trong vòng nửa giờ, người ta có thể làm xong một chiếc kính đeo mắt theo toa cho khách.

Cách thực hiện đơn hàng nhanh chóng này thật sự ấn tượng, nhưng có lẽ, ấn tượng hơn theo sau đó là số người đeo kính ngày càng tăng lên chóng mặt, mà hầu hết đều là trẻ em.

Nếu như năm 1970, chỉ chưa tới 1/3 thanh thiếu niên 16 - 18 tuổi bị tật khúc xạ ở mắt thì giờ đây, số học sinh Trung Quốc bị cận thị đã chiếm gần 4/5, tập trung ở các khu vực đô thị. 1/5 trong số này bị cận thị nặng, tức không thể nhìn thấy rõ vật nếu ở cách xa hơn 16 cm. Sự gia tăng nhanh nhất tập trung ở học sinh tiểu học, với hơn 40% bị cận thị, tăng gấp đôi so với tỷ lệ năm 2000, và cao hơn nhiều so với tỷ lệ cận thị chưa tới 10% ở học sinh tiểu học Mỹ và Đức.

Tỷ lệ cận thị cao trên toàn Đông Á, làm khổ sở 80% đến 90% thanh niên đô thị ở Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan. Nhưng oái oăm thay, nguyên nhân xuất phát từ vấn đề xã hội hơn là di truyền. Tình trạng cận thị tồi tệ khắp Đông Á đã diễn ra cùng với sự gia tăng thu nhập và tiêu chuẩn giáo dục.

Một cuộc nghiên cứu vào năm 2012 được tiến hành trên 15. 000 trẻ em ở khu vực Bắc Kinh đã cho thấy cận thị liên quan đáng kể đến việc học liên tục trong nhiều giờ, đọc hoặc dùng các thiết bị điện tử nhưng lại dành quá ít thời gian để tham gia các hoạt động ngoài trời, mà thiếu hoạt động này là nguyên nhân lớn nhất gây cận thị. Những thói quen này thường thấy nhiều hơn ở các gia đình có thu nhập cao, có điều kiện đầu tư tối đa việc học cho con cái.

Theo giáo sư Ian Morgan thuộc Trường ĐH quốc gia Australia, nếu một đứa trẻ có đủ thời gian vận động ngoài trời, chúng có thể học tất cả những gì chúng thích và thị lực của chúng sẽ không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, những người lớn Trung Quốc và nhiều nước Đông Á khác không dành nhiều thời gian cho trẻ tham gia hoạt động ngoài trời.

Ở tuổi lên 6, trẻ em Trung Quốc và Australia có tỷ lệ cận thị tương tự nhau. Nhưng một khi bắt đầu đi học, trẻ em Trung Quốc chỉ dành khoảng 1 giờ/ngày bên ngoài, trong khi thời gian hoạt động ngoài trời của trẻ em Australlia là 3 giờ/ngày. Học sinh Trung Quốc thường ngủ trưa sau bữa ăn hơn là ra sân chơi, sau đó về nhà giải quyết khối lượng bài tập, nhiều hơn so với bất cứ nước nào ngoài khu vực Đông Á.

Theo Bộ Y tế Trung Quốc, ở nông thôn, chỉ khoảng 1/3 học sinh tiểu học bị cận thị, so với gần một nửa trẻ em thành thị.

Khi Trường ĐH Stanford (Mỹ) tặng cho hàng ngàn học sinh nông thôn Trung Quốc kính mắt miễn phí, họ phát hiện rằng việc thấy rõ hơn có tác động lớn thúc đẩy thành tích học tập hơn là cải thiện dinh dưỡng hoặc chất lượng giảng dạy.

Một nghiên cứu khác cũng xác nhận đeo kính cải thiện điểm thi tương đương với việc học thêm trong gần 1 năm. Tuy nhiên, tất cả những gì cần thiết giờ đây là một chút tầm nhìn của giới lãnh đạo trong công cuộc bảo vệ “cửa sổ tâm hồn” của thế hệ sẽ nắm vận mệnh tương lai của đất nước.

HẠNH CHI

Tin cùng chuyên mục