Thỏa thuận tạm thời có giúp hạ nhiệt tình hình Ukraine?

Ngày 18-4, sau khi các nhà đàm phán tại Geneva (Thụy Sĩ) đạt được thỏa thuận tạm thời cho cuộc khủng hoảng Ukraine đêm 17-4, dư luận thế giới lập tức hoan nghênh bước đi này. Tuy nhiên, tình hình căng thẳng tại Ukraine có hạ nhiệt được hay không tùy thuộc vào việc thỏa thuận này có được thực hiện.
Thỏa thuận tạm thời có giúp hạ nhiệt tình hình Ukraine?

Ngày 18-4, sau khi các nhà đàm phán tại Geneva (Thụy Sĩ) đạt được thỏa thuận tạm thời cho cuộc khủng hoảng Ukraine đêm 17-4, dư luận thế giới lập tức hoan nghênh bước đi này. Tuy nhiên, tình hình căng thẳng tại Ukraine có hạ nhiệt được hay không tùy thuộc vào việc thỏa thuận này có được thực hiện.

        “Bước đi lớn”

Kết thúc hội nghị bốn bên, đại diện Nga, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và chính phủ tạm quyền Ukraine đã nhất trí thông qua tuyên bố chung xác định các bước đi cụ thể đầu tiên nhằm giảm căng thẳng tại Ukraine.

Theo đó, tất cả các bên cần tránh mọi hành động vũ lực, đe dọa hoặc khiêu khích. Tất cả các nhóm vũ trang bất hợp pháp phải giải giáp, lệnh ân xá sẽ bảo đảm cho tất cả những người biểu tình rời khỏi các tòa nhà chính quyền. Các bên thống nhất phái bộ giám sát đặc biệt của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) cần đóng vai trò đi đầu trong hỗ trợ chính quyền Ukraine, tiến trình cải cách hiến pháp đã được công bố phải toàn diện, minh bạch và có trách nhiệm….

Người dân Ukraine ủng hộ sự thống nhất đất nước khi nghe tin thỏa thuận đạt được.

Người dân Ukraine ủng hộ sự thống nhất đất nước khi nghe tin thỏa thuận đạt được.

Các phương tiện truyền thông lớn của Mỹ xác định thỏa thuận trên là “bước đi lớn nhất” hướng tới làm dịu cuộc khủng hoảng đang có nguy cơ đẩy Ukraine vào một cuộc nội chiến. Tuy nhiên, người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney cho biết, Mỹ và các đồng minh châu Âu một mặt sẽ theo dõi chặt chẽ xem phía Nga có “thực sự nghiêm túc trong nỗ lực giảm căng thẳng tại Ukraine” hay không; đồng thời cảnh báo nước Nga “sẽ phải trả giá hơn nữa” nếu không thực thi thỏa thuận vừa đạt được.

Bất chấp thỏa thuận đã đạt được về giảm leo thang xung đột, quyền Ngoại trưởng Ukraine Andriy Deshchytsya tuyên bố chính quyền lâm thời Ukraine vẫn giữ quyền tiếp tục chiến dịch tại miền Đông. Theo ông Deshchytsya, quân đội đã được điều động tới khu vực Đông Nam trong khuôn khổ chiến dịch chống khủng bố mà Kiev triển khai nếu như tình hình không được hạ nhiệt.

        Chưa hết rối ren

Ngày 18-4, mặc dù khẳng định không có ý định can thiệp quân sự tới Ukraine - quốc gia không phải là thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - song NATO cho biết một nhóm gồm 4 tàu phá ngư lôi và 1 tàu cứu hộ đang triển khai tới biển Baltic nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của các đồng minh tại Đông Âu. Lầu Năm Góc cũng cho biết sẽ triển khai thêm các máy bay chiến đấu F-16 tới Ba Lan vào cuối năm nay, đồng thời khuyến khích các thành viên NATO khác tích cực hỗ trợ những hoạt động quân sự của khối.

Theo giới quan sát, thỏa thuận vừa đạt được khó có thể được thực thi đầy đủ. Thỏa thuận này chỉ giúp các bên tránh phải đối đầu căng thẳng thêm trong bối cảnh bên nào cũng đang bị “tổn thất” không nhỏ. Với Nga, thỏa thuận giúp Mátxcơva tăng thêm uy tín trên trường quốc tế, đồng thời cũng né tránh mối đe dọa ngay lập tức về tiếp tục tăng cường trừng phạt từ Mỹ và EU.

Washington cũng tránh được thế phải tiếp tục áp đặt trừng phạt hay các hình thức gây sức ép khác với Nga. EU có thể tạm ngưng tiếp tục trừng phạt Nga, vốn luôn là vấn đề khó khăn cho các nước phụ thuộc phần lớn vào khí đốt xuất khẩu từ Nga. Các bên tạm thời có lợi, nhưng phía trước vẫn còn nhiều thách thức.

Ngày 18-3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nêu rõ, trong thỏa thuận có điểm cần bắt đầu ngay lập tức là đối thoại rộng rãi toàn dân về cải cách hiến pháp và Ukraine cần đảm bảo tiến trình cải cách hiến pháp minh bạch, toàn diện. Nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh luật pháp Ukraine hiện nay quy định quy chế trung lập về chính trị - quân sự của nước này và trong cuộc đàm phán, Nga đã khẳng định sự thay đổi quy chế trên sẽ phá vỡ nỗ lực hợp tác về mọi vấn đề nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine.

Ông Lavrov cho rằng tất cả các nước đều phải tôn trọng sự lựa chọn trung lập của Ukraine, đồng thời yêu cầu các đối tác phương Tây và lãnh đạo NATO ý thức về vấn đề này.

HẠNH CHI (tổng hợp)

- Thông tin liên quan:

>> Nga ưu tiên giải pháp ngoại giao cho vấn đề Ukraine

Tin cùng chuyên mục