Chạy đua với thời gian tìm người mất tích

Thi thể trong khoang hành khách
Chạy đua với thời gian tìm người mất tích

Vụ chìm phà Sewol

Theo Hãng tin Yonhap, công tác tìm kiếm người bị nạn trên chiếc phà Sewol vẫn khẩn trương diễn ra. Tuy nhiên, Shin Won-Nam, người đứng đầu Trung tâm Quản lý tình trạng khẩn cấp Hàn Quốc, cho biết, việc tìm kiếm có thể phải kéo dài 1 hoặc 2 tháng. Tối 19-4, số nạn nhân thiệt mạng được tìm thấy đã tăng lên 32 người.

Phóng viên đặt câu hỏi với thuyền trưởng Lee Joon-Seok (giữa).

Phóng viên đặt câu hỏi với thuyền trưởng Lee Joon-Seok (giữa).

Thi thể trong khoang hành khách

Hơn 650 nhân viên bảo vệ bờ biển và Hải quân Hàn Quốc cùng các thợ lặn vẫn miệt mài tìm kiếm 270 người được cho là mắc kẹt bên trong chiếc phà bị lật Sewol. Sáng 19-4, bằng mắt thường, các thợ lặn phát hiện được 3 thi thể tại khoang hành khách. Đây là vị trí có rất nhiều trẻ em bị mắc kẹt. Tuy nhiên, đội thợ lặn vẫn chưa thể vào bên trong do việc phá cửa khoang gặp khó khăn, thời gian lặn hạn chế và có nhiều chướng ngại vật. Các nhân viên cứu hộ đã dùng lưới quây quanh con phà, tránh để cho nước biển mạnh cuốn đi thi thể nạn nhân.

Việc tìm kiếm trong ngày 19-4 gặp nhiều trở ngại bởi dòng hải lưu mạnh và sóng lớn. Kim Jae-in, người phát ngôn Lực lượng Bảo vệ bờ biển Hàn Quốc, cho biết, các cần cẩu phục vụ cho việc nâng đỡ phà đã được triển khai và sẽ hoạt động khi điều kiện cho phép. Các cần trục lớn đã được chuyển tới khu vực phà Sewol chìm, trong khi thân nhân những người mất tích lo ngại rằng hoạt động cứu hộ sắp kết thúc và chuyển sang giai đoạn trục vớt.

Theo một số chuyên gia, các nạn nhân vẫn có khả năng sống sót trong 72 giờ nếu như các khoang có túi khí. Tuy nhiên, thân nhân của những nạn nhân mất tích thì đang mất dần kiên nhẫn. Tại trung tâm chỉ huy của chiến dịch tìm kiếm người mất tích đặt tại cảng Jindo, hàng trăm người vẫn túc trực mòn mỏi chờ thông tin từ người thân bị mất tích. Họ thúc giục cơ quan chức năng đẩy mạnh hơn nữa công tác cứu hộ khi mà hy vọng sống sót của người thân ngày càng mong manh.

Bắt giữ thuyền trưởng

Thuyền trưởng phà Sewol Lee Joon-Seok, 69 tuổi, cùng 2 thuyền viên khác đã bị bắt giữ vào sáng 19-4. Theo điều tra ban đầu, ông Lee Joon-Seok không có mặt tại buồng lái khi phà xảy ra sự cố mà ông này đã giao cho một thuyền viên ít kinh nghiệm, mới ở độ tuổi 20 điều khiển chiếc phà. Ông này cũng đang bị cáo buộc là đã bỏ phà đầu tiên, để mặc hàng trăm người phải chống chọi tìm đường sống. Khi phà chìm, ông Lee Joon-Seok là một trong những người đầu tiên được cứu thoát. Thủy thủ đoàn gồm 29 người. 20 người được cứu sống, 3 người chết và 6 người còn đang mất tích. Theo Yonhap, thuyền trưởng phà Sewol sẽ phải đối mặt với 5 tội danh, trong đó có tội bất cẩn gây thiệt hại và vi phạm luật hàng hải.

Ông Lee Joon-Seok đã gửi lời xin lỗi đến các nạn nhân và gia đình của họ. Tuy nhiên, thuyền trưởng phà Sewol đã bác bỏ thông tin cho rằng ông uống rượu vào thời điểm phà gặp sự cố. Ngoài ra, thuyền trưởng này cũng cho biết, ông đã yêu cầu hành khách sơ tán chứ không phải không chỉ dẫn gì.

Đến nay, cơ quan điều tra vẫn chưa đưa ra kết luận về nguyên nhân của vụ chìm phà Sewol. Một quan chức của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Hàn Quốc cho biết, kết luận điều tra chỉ có thể được đưa ra khi phà Sewol được trục vớt. Một giả thiết mới nhất và đang được tập trung điều tra theo hướng này: có thể chiếc phà đã bị bẻ lái đột ngột dẫn đến bị nghiêng rồi lật. Theo hãng tin Yonhap, khi gặp nạn, chiếc phà chở 180 ô tô cùng 1.157 tấn hàng hóa.

Một phụ nữ Việt Nam có mặt trên phà Sewol

Chị tên Phan Ngọc Thanh, sinh năm 1985, quê ở Cà Mau. Chị Thanh chính là mẹ của bé gái Kwon Ji-yeon, 5 tuổi, được nhân viên cứu hộ cứu sống. Chị cùng chồng và 2 con đi trên chuyến phà Sewol tới đảo Jeju định cư. Hiện gia đình chị Thanh từ Việt Nam đang trên đường đến Seoul, dự kiến sáng 20-4 sẽ có mặt ở hiện trường vụ tai nạn. Ông Dương Chính Chức, tham tán phụ trách Lãnh sự và bảo hộ công dân của Sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết, ngay từ khi biết thông tin có người Việt trên phà ngày 18-4, Đại sứ quán đã cử cán bộ đến hiện trường vụ tai nạn để phối hợp với các cơ quan hữu quan của Hàn Quốc nhằm xác minh danh tính nạn nhân. Các cán bộ này hiện vẫn có mặt ở cảng Jindo để hỗ trợ gia đình chị Thanh từ Việt Nam.

ĐỖ CAO (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục