Syria ấn định ngày bầu cử tổng thống

Khó đáp ứng yêu cầu dân chủ
Syria ấn định ngày bầu cử tổng thống

Ngay sau khi Syria ấn định ngày bầu cử Tổng thống chính thức vào ngày 3-6 tới, cộng đồng quốc tế đã có những phản ứng mạnh mẽ. Nhiều người lo ngại cuộc bầu cử sẽ khiến mọi nỗ lực nhằm bình ổn Syria lâm vào bế tắc.

Tổng thống Assad chưa xác nhận có ra tranh cử nhiệm kỳ 3 hay không.

Tổng thống Assad chưa xác nhận có ra tranh cử nhiệm kỳ 3 hay không.

Khó đáp ứng yêu cầu dân chủ

Theo thông báo của Quốc hội Syria, các ứng cử viên có thể đệ đơn xin tranh cử tới Tòa án Hiến pháp trong vòng 10 ngày kể từ ngày 22-4. Cuộc bầu cử trong nước sẽ diễn ra vào ngày 3-6. Người Syria ở nước ngoài sẽ bỏ phiếu vào ngày 28-5. Tổng thống Bashar al-Assad chưa xác nhận liệu ông có tiếp tục ra tranh cử cho nhiệm kỳ tổng thống thứ ba hay không. Nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Assad sẽ kết thúc vào ngày 17-7 tới.

Lập tức, Mỹ và EU đã lên tiếng bác bỏ kế hoạch bầu cử này của Syria, cho rằng kế hoạch này không khác gì cách chế nhạo sự dân chủ. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon thì chỉ trích kế hoạch trên và nói rằng nó sẽ dập tắt mọi hy vọng chấm dứt bất ổn chính trị kéo dài 3 năm qua ở quốc gia Trung Đông này. Đặc phái viên LHQ về Syria, ông Lakhdar Brahimi nhận định kế hoạch này càng khiến phe đối lập không muốn thảo luận thêm với chính quyền Tổng thống Assad.

Một trong những điều kiện để ứng cử viên được ra tranh cử tổng thống là họ phải sống ở Syria liên tục trong ít nhất 10 năm gần đây. Đây là quy định mới được bổ sung trong luật bầu cử Syria. Nó càng làm tăng khoảng cách giữa Chính phủ Syria và phe đối lập vì phần lớn các nhà lãnh đạo đối lập hiện đang lưu vong. Hơn nữa, để 6,5 triệu người Syria phải bỏ nhà cửa để tránh bạo lực, trong đó có 2,7 triệu người đang sống ở các trại tị nạn, được đăng ký tham gia bầu cử cũng là vấn đề nan giải.   

Theo BBC, gần đây, quân đội chính phủ đã giành ưu thế tại một số khu vực nhưng quân nổi dậy vẫn áp đảo phần lớn lãnh thổ. Vì thế, khả năng tổ chức bầu cử ở những nơi này là rất khó xảy ra. Nếu có, dự đoán sẽ xảy ra tình trạng bạo lực là rất cao. Tính đến nay, bất ổn tại Syria đã làm 150.000 người thiệt mạng.

Can thiệp gây tranh cãi

Bế tắc chính trị bao vây Syria ngày càng không tìm được lối ra. Lần lượt các Hội nghị Geneva bàn về giải pháp cho Syria đều thất bại. Điều mà người dân Syria mong mỏi nhất lúc này là chấm dứt bất ổn. Chỉ vài giờ trước khi thông báo về kế hoạch bầu cử được đưa ra, cách Tòa nhà Quốc hội ở thủ đô Damascus 100m đã xảy ra nổ bom làm 5 người chết.

Theo AP, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki ngày 22-4 cho biết họ đang điều tra cáo buộc chính phủ Syria chịu trách nhiệm về vụ xả hóa chất độc hại trong một khu vực của quân nổi dậy ở Syria trong tháng 4 này. Tổng thống Pháp Francois Hollande cuối tuần trước thì nói ông có thông tin về việc lực lượng thân Tổng thống Assad vẫn tiếp tục sử dụng vũ khí hóa học.

Tờ Wall Street Journal trích dẫn nguồn tin riêng cho biết giới chức Mỹ và Saudi Arabia đã tham gia điều phối, giám sát việc cung cấp các hệ thống tên lửa chống tăng do Mỹ sản xuất đến Syria. Một nhân vật thuộc phe đối lập Syria tiết lộ những lô hàng này là một phần chương trình thử nghiệm của cơ quan tình báo Mỹ và Saudi Arabia, tiến tới tăng cường cung cấp vũ khí hiện đại (mã hóa lệnh điều khiển bằng dấu vân tay) vào Syria.

Trước đó, France-Presse đưa tin các đại diện phong trào đối lập Hazm, thuộc thành phần Quân đội giải phóng Syria (FSA), đã nhận được ít nhất 20 hệ thống chống tăng do Mỹ chế tạo. Theo Time, kế hoạch này của Mỹ đã gây tranh cãi giữa các quan chức cấp cao, nghị sĩ Mỹ. Phía phản đối cho rằng việc chuyển giao vũ khí có thể phát sinh tiêu cực, dễ để vũ khí rơi vào tay các nhóm khủng bố, càng khiến tình hình thêm phức tạp.

NHƯ QUỲNH (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục