Mỹ tố máy bay Trung Quốc khiêu khích trên không phận quốc tế

Mỹ tố máy bay Trung Quốc khiêu khích trên không phận quốc tế

Theo Reuters, ngày 23-8, Nhà Trắng đã gửi công hàm chính thức tuyên bố vụ máy bay Trung Quốc áp sát máy bay do thám của Mỹ trên không phận quốc tế gần đảo Hải Nam là hành động khiêu khích, gây quan ngại sâu sắc.

Hành động liều lĩnh

Trong cuộc họp báo tổ chức sau vụ việc trên, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, ông John Kirby, cho biết máy bay Su-27 của Trung Quốc đã bay gần máy bay do thám P-8 Poseidon của Hải quân Mỹ ở khoảng cách 10m. Sau đó, chiếc Su-27 còn áp sát máy bay Mỹ tới ba lần, một lần bay sát phía dưới, một lần áp sát ở trên và một lần bên cạnh. Máy bay Trung Quốc cũng vượt qua mũi P-8 với một góc 900, bụng hướng về phía P-8 Poseidon. Theo quan sát của phi hành đoàn Mỹ, đây là chiếc máy bay quân sự được trang bị nhiều vũ khí. Vụ việc xảy ra tại khu vực cách đảo Hải Nam 220km về phía Đông. Theo ông Kirby, đây còn là hành động thiếu chuyên nghiệp, gây nguy hiểm tới sự an toàn và tính mạng của phi hành đoàn. Hành động này cũng trái với luật pháp quốc tế.

Máy bay Su-27 Trung Quốc.

Máy bay P-8 Poseidon của Mỹ.

Chiếc P-8 Poseidon do Hải quân Mỹ triển khai tới châu Á vào cuối năm ngoái sau khi Trung Quốc đơn phương tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không (AIDZ) gây tranh cãi với Nhật Bản và Hàn Quốc, nhằm trợ giúp các hoạt động giám sát hàng hải và là một phần chiến lược trục châu Á - Thái Bình Dương của chính phủ Mỹ.

Telegraph gọi vụ áp sát máy bay là hành động không những khiêu khích mà còn nguy hiểm vì Trung Quốc dường như đã quên vụ va chạm máy bay trên biển Đông năm 2001. Vào ngày 1-4-2001, khi một máy bay trinh sát điện tử EP-3E của Hải quân Mỹ đang thực hiện nhiệm vụ trên biển Đông, bên ngoài không phận Trung Quốc, thì bị 2 chiến đấu cơ J-8 của Trung Quốc áp sát. Do khoảng cách quá gần, chiếc EP-3E va chạm với một chiếc J-8. Hậu quả là một phi công Trung Quốc thiệt mạng. Chiếc EP-3E cũng bị hư hại nặng và suýt bị rơi. Sự việc đã khiến quan hệ ngoại giao hai bên leo thang căng thẳng khi Trung Quốc luôn cho rằng nguyên nhân vụ va chạm là do lỗi chiếc EP-3E.

Áp dụng chiến thuật răn đe

Từ trước đến nay, Bộ Quốc phòng Trung Quốc luôn lên tiếng phản đối tất cả các chuyến bay do thám điện tử của Mỹ cũng như hoạt động giám sát bằng tàu trên vùng trời, vùng biển mà Bắc Kinh yêu sách. Trong khi đó, Mỹ tin rằng hoạt động giám sát được thực hiện trên không phận, hải phận quốc tế, vì vậy không vi phạm luật pháp quốc tế hay thậm chí cả luật pháp Trung Quốc.

Theo ông Rich Fisher, một nhà phân tích quân sự Trung Quốc, Mỹ tăng các chuyến bay giám sát Trung Quốc là một phần chiến lược đối phó với hành vi hung hăng của Bắc Kinh áp đặt quyền kiểm soát trong các vùng biển tranh chấp. Bắc Kinh đã phản ứng lại bằng chiến thuật răn đe với các máy bay do thám Nhật Bản. Chiến đấu cơ Trung Quốc đã 2 lần rượt đuổi áp sát máy bay trinh sát P-3 của Nhật Bản vào tháng 5, tháng 6 năm nay. Nhưng đây là lần đầu tiên trong năm nay, chiến đấu cơ Trung Quốc áp sát một máy bay Mỹ. Động thái này cho thấy sự răn đe đã nhằm vào trực tiếp Mỹ chứ không chủ đích chỉ nhằm vào đồng minh thân cận của nước này.

Sau khi thông tin vụ máy bay chiến đấu Trung Quốc áp sát chiếc P-8, dư luận Mỹ yêu cầu quân đội nước này nên có những hành động cứng rắn hơn. Trước đó, vào ngày 12-4, thời điểm khủng hoảng Ukraine leo thang, một máy bay Su-24 của Nga đã bay qua bay lại nhiều lần ở cự ly gần sát tàu USS Donald Cook đang hoạt động trong vùng biển quốc tế tại phía Tây biển Đen. Vụ việc kết thúc mà không có sự cố gì. Hai sự việc xảy ra khiến dư luận đổ lỗi cho chính phủ ông Obama đã không có hành động kịp thời và khiến các nước khác dễ dàng lấn lướt và có các hành động khiêu khích.

THANH HẰNG (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục