Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc bác đề xuất ngừng bắn tại miền Đông Ukraine

Ngày 29-8, Tổng thống Putin kêu gọi giới chức Ukraine ngừng chiến dịch quân sự, kêu gọi giới chức Ukraine chấm dứt hành động quân sự ở miền Đông và vào bàn đàm phán. Trước đó, theo AP, cuộc họp khẩn của HĐBA LHQ diễn ra vào cuối ngày 28-8 (giờ Việt Nam) đã bác bỏ đề xuất ngừng bắn tại miền Đông Ukraine của Nga.
Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc bác đề xuất ngừng bắn tại miền Đông Ukraine

Ngày 29-8, Tổng thống Putin kêu gọi giới chức Ukraine ngừng chiến dịch quân sự, kêu gọi giới chức Ukraine chấm dứt hành động quân sự ở miền Đông và vào bàn đàm phán. Trước đó, theo AP, cuộc họp khẩn của HĐBA LHQ diễn ra vào cuối ngày 28-8 (giờ Việt Nam) đã bác bỏ đề xuất ngừng bắn tại miền Đông Ukraine của Nga.

Nga kêu gọi Ukraine đàm phán

Đại sứ của Lithuania ở LHQ, ông Raimonda Murmokaite, cho biết văn bản dự thảo do Nga chuẩn bị không phản ánh được hết các vấn đề nghiêm trọng, bao gồm cả vấn đề liên quan đến thực tế là phe ly khai ngăn việc cung cấp viện trợ nhân đạo do phía chính phủ Ukraine đề xướng. Trước thông tin mà Kiev và Washington đưa ra cáo buộc Nga đưa binh sĩ và xe cơ giới sang lãnh thổ Ukraine, HĐBA LHQ cho rằng không thể xác nhận hay phủ nhận thông tin này.

Trong cuộc họp, Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin cho rằng sự leo thang hiện nay là hệ quả từ chính sách dùng vũ lực thay vì đối thoại mà Kiev áp dụng với lực lượng biểu tình đòi liên bang hóa ở miền Đông. Ông Churkin tuyên bố Mỹ nên chấm dứt can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga đã phản đối cáo buộc binh sĩ Nga hỗ trợ lực lượng ly khai tại miền Đông Ukraine, đồng thời khẳng định đây là “tin vịt”.

Trước đó, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nói rằng có ít nhất 1.000 binh sĩ Nga tham gia hỗ trợ lực lượng chống đối ở Đông Ukraine chống chính quyền Kiev từ tháng 4. Chính phủ Ukraine cũng cáo buộc binh sĩ Nga đã kiểm soát thị trấn Novoazovsk và một số vùng lân cận ở biên giới hai nước. Nga đã ngay lập tức lên tiếng phản đối mạnh mẽ cáo buộc trên và nhấn mạnh không có binh lính Nga đang hoạt động ở miền Đông Ukraine.

Ông Putin cũng kêu gọi lực lượng chống đối tại Ukraine mở một hành lang nhân đạo cho các binh sĩ Ukraine cho phép họ rời khu vực chiến sự mà không bị cản trở để họ đoàn tụ với gia đình và trợ giúp y tế khẩn cấp cho những người bị thương trong chiến dịch quân sự. Nhà lãnh đạo Nga khẳng định Mátxcơva sẽ cung cấp viện trợ nhân đạo cho các dân thường ở miền đông Ukraine.

Tuyên bố trên được đưa ra chưa đầy một tuần sau khi đoàn xe viện trợ đầu tiên của Ukraine vận chuyển hàng cứu trợ tới Đông Ukraine và sau đó trở về Nga. Ngay sau lời kêu gọi này, Thủ tướng nước Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng, ông Alexander Zakharchenko, đã đồng ý mở một hành lang nhân đạo cho các binh sĩ Ukraine đang bị bao vây.

Binh sĩ Ukraine tham chiến tại miền Đông.

EU gia tăng trừng phạt Nga

Dự kiến, vào hôm nay, 30-8, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) nhóm họp tại Belarus để thảo luận về khả năng gia tăng trừng phạt đối với Nga. Ngoài EU, hội nghị có sự tham gia của Nga và Ukraine cùng 2 đối tác trong liên minh thuế là Belarus và Kazakhstan.

Ngân hàng Hà Lan (ING) cho biết việc Nga từ chối không mua các loại trái cây và rau quả ở châu Âu khiến EU thiệt hại khoảng 6,7 tỷ EUR và ngoài ra còn làm tăng đội ngũ người thất nghiệp ở EU thêm 130.000 người.

Theo nhà phân tích của ngân hàng, về tiền tệ, thiệt hại lớn nhất là Đức với khoảng 1,3 tỷ EUR. Thất nghiệp ảnh hưởng nhiều nhất ở Ba Lan, khoảng 23.000 việc làm. Việc giảm thương mại với Nga ảnh hưởng nặng nhất tại các nước Baltic: Litva có thể mất 0,4% GDP, Estonia là 0,35% và Latvia là 0,2%.

Bộ Thương mại và công nghiệp Nga tuyên bố Mátxcơva hiện không có kế hoạch gia tăng các biện pháp trả đũa nhằm vào các nước phương Tây. Trong khi đó, Bộ trưởng Phát triển kinh tế Nga Alexei Ulyukayev cho biết nước này không rút khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nếu phương Tây tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.

Hãng tin Itar-Tass dẫn lời ông Ulyukayev nêu rõ: “Tình thế hiện nay phụ thuộc vào thái độ của phía đối tác. Nếu họ cho thấy sự xuống thang, chúng tôi cũng sẽ có các biện pháp giảm căng thẳng”.

THANH HẰNG (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục