Toàn cầu lại hướng về Paris

Toàn cầu lại hướng về Paris

Khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP 21)

Trước tình trạng biến đổi khí hậu đang thực sự đe dọa cuộc sống của nhân loại toàn cầu, Hội nghị thượng đỉnh Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP 21) khai mạc ngày 30-11 tại Paris đứng trước đòi hỏi cấp bách về việc cắt giảm khí thải. Để đạt mục tiêu trước mắt, ngăn không cho nhiệt độ Trái đất tăng quá 2°C so với thời tiền công nghiệp, thế giới cần phải hợp tác nhiều hơn trong cuộc chiến môi trường này.

Quyết tâm mới

Từ năm 1992, tại hội nghị môi trường ở Rio de Janeiro, hơn 150 quốc gia đã thống nhất từng bước cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Nhưng từ đó đến nay, hầu như chưa có cam kết cụ thể nào, trong khi tác hại của biến đổi khí hậu ngày càng rõ với các trận bão lũ, nhiệt độ tăng cao bất thường, san hô chết và mực nước biển dâng cao tại nhiều nơi trên thế giới. Liên tiếp xảy ra bất đồng tại các kỳ hội nghị tiếp theo khiến việc đạt một thỏa thuận cắt giảm khí thải toàn cầu thất bại. So với hội nghị Rio, giờ đây, tổng cộng có 196 quốc gia một lần nữa quyết tâm tìm một thỏa chống biến đổi khí hậu trước khi quá muộn. Tờ New York Times dẫn lời ông Fatih Birol, Giám đốc điều hành Cơ quan năng lượng quốc tế nói: “Đây là hy vọng cuối cùng của chúng ta”. Tổng thống Pháp - Francois Hollande mô tả “Chúng ta có nhiệm vụ nặng nề là phải thành công”.

Tuần hành tại Berlin (Đức) yêu cầu cắt giảm khí thải, ngăn chặn biến đổi khí hậu

BBC dẫn lời ông Amjad Abdulla từ Maldives, nước hiện là chủ tịch Liên minh các quốc đảo nhỏ tại COP 21 nói: “Tôi tin rằng, nhiều khả năng sẽ có một thỏa thuận, bởi vì những gì tôi cảm nhận được từ các bên là họ đang rất háo hức tiến về phía trước”. Tuy nhiên, còn nhiều ý kiến cho rằng, một thỏa thuận có tính chất ràng buộc pháp lý sẽ khiến nhiều quốc gia không thể tham gia. Nhiều nước đang phát triển và cả Liên minh châu Âu vẫn chưa sẵn sàng về một thỏa thuận bắt buộc. Chính phủ Mỹ ủng hộ nhưng Quốc hội còn nhiều ý kiến chống đối. Một số quốc gia kỳ kèo đòi chỉ cắt giảm 1,5°C thay vì 2°C... Đối với các nhà sản xuất dầu, một thỏa thuận cắt giảm khí thải bắt buộc là sự thất thu của họ. Ngoài ra, cam kết của các nước giàu tài trợ 100 tỷ USD cho các nước bị ảnh hưởng biến đổi khí hậu vào năm 2020 cũng chưa chắc chắn.

Bảo vệ hành tinh xanh

Theo ước tính, 40.000 người, gồm 10.000 đại biểu đến từ 195 quốc gia và vùng lãnh thổ, 14.000 đại diện xã hội dân sự và chuyên gia; 3.000 nhà báo và hàng ngàn khách tham quan, sẽ tham dự COP 21 từ ngày 30-11 đến 11-12. Với 147 người đứng đầu nhà nước và chính phủ tới Paris, công tác an ninh tại Paris được đặt lên hàng đầu, nhất là trong bối cảnh vừa xảy ra loạt tấn công khủng bố làm 130 người chết và hơn 350 người bị thương. Không giống như ở Copenhagen năm 2009, người đứng đầu nhà nước và chính phủ các nước tới Paris ngay dịp khai mạc thay vì chờ đến phiên bế mạc. Lần này, ngoài mục tiêu đạt thỏa thuận cắt giảm khí thải cụ thể, các nước còn muốn đoàn kết với Paris sau vụ khủng bố. Pháp đã triển khai 8.000 cảnh sát và hiến binh để tiến hành kiểm tra biên giới; 2.800 cảnh sát và an ninh bảo vệ địa điểm diễn ra COP 21 tại Le Bourget phía Bắc Pari. Ngoài ra còn 120.000 cảnh sát và quân đội đã được huy động trên khắp nước Pháp kể từ xảy ra các cuộc tấn công khủng bố ở Paris. Một số tuyến đường chính ở Paris sẽ đóng cửa trong hai ngày khai mạc.

Nhân dịp diễn ra COP 21, hàng chục ngàn người trên khắp thế giới trong 2 ngày cuối tuần đã xuống đường biểu tình đòi các nhà lãnh đạo thế giới phải có những biện pháp mạnh mẽ chống biến đổi khí hậu. Khoảng 50 cuộc biểu tình đã nổ ra tại Australia, New Zealand, Philippines, Bangladesh, Nhật Bản, Anh và Mỹ nhằm kêu gọi bảo vệ “hành tinh xanh”. Australia mở màn cho các cuộc tuần hành vì môi trường, với hàng chục ngàn người xuống đường tại Melbourne “vì một thế giới sạch và công bằng”.

THỤY VŨ (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục