Quân đội Ukraine rút vũ khí hạng nặng khỏi miền Đông

Theo Sputnik, ngày 27-2, quân đội Ukraine bắt đầu rút vũ khí hạng nặng khỏi chiến trường miền Đông, bước đi nhằm thực hiện bản kế hoạch hòa bình Minsk được ký giữa lãnh đạo 4 nước Nga, Ukraine, Pháp và Đức vào ngày 12-2 vừa qua.
Quân đội Ukraine rút vũ khí hạng nặng khỏi miền Đông

Theo Sputnik, ngày 27-2, quân đội Ukraine bắt đầu rút vũ khí hạng nặng khỏi chiến trường miền Đông, bước đi nhằm thực hiện bản kế hoạch hòa bình Minsk được ký giữa lãnh đạo 4 nước Nga, Ukraine, Pháp và Đức vào ngày 12-2 vừa qua.

Giao tranh giảm

Việc rút vũ khí được thực hiện dưới sự giám sát toàn diện của Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) tại thị trấn chiến lược Debaltseve. Việc rút vũ khí phải hoàn tất trong vòng 2 tuần, để tạo ra một vùng đệm rộng hơn giữa hai phe tham chiến. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cũng tuyên bố đã rút 2.000 quân khỏi khu vực trên. Trước đó, phe chống đối khẳng định rút 90% vũ khí, gồm các khẩu pháo và bệ phóng rocket cũng như các hệ thống tên lửa khỏi khu vực giao tranh.

Dự kiến trong ngày 27-2, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc có thể thảo luận về tình hình ở miền Đông Ukraine. Cuộc họp sẽ thảo luận về việc thực hiện các thỏa thuận giải quyết xung đột đã đạt được tại Minsk. Trong vài ngày trở lại đây, giao tranh đã giảm mạnh. Lãnh đạo phe chống đối tại Lugansk, ông Igor Plotnitsky, cho biết khu vực này sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân trong tương lai nếu Kiev thay đổi quan điểm. Lugansk sẽ có chuyển biến mới nếu Ukraine không còn gọi Nga là kẻ xâm lược, không gọi lực lượng vũ trang miền Đông là quân ly khai và khủng bố.

Quân đội Ukraine rút vũ khí khỏi miền Đông.

Tư lệnh tối cao NATO, tướng Jens Stoltenberg đã tỏ ý vui mừng trước những tiến triển trên, nhưng tiếp tục gây sức ép lên Mátxcơva với yêu cầu Nga phải rút các vũ khí và thiết bị mà Mỹ cho rằng đã được Nga cung cấp cho phe chống đối. Đáp lại, ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng những tuyên bố của phương Tây cho thấy các nước trên không tỏ ý hợp tác trong việc thực thi những gì đã được chấp thuận. Những phát biểu trên cho thấy rõ bất đồng chưa hề hạ nhiệt giữa Nga và phương Tây.

Trong khi đó, do tình hình kinh tế bị suy yếu mạnh, người dân Ukraine đang bày tỏ thái độ tức giận với chính phủ. Tối 26-2, một vụ đụng độ đã xảy ra khi cảnh sát nước này giải tán cuộc biểu tình bên ngoài trụ sở Ngân hàng Trung ương Ukraine, khiến một số người bị thương. Người biểu tình tập trung bên ngoài trụ sở Ngân hàng Trung ương Ukraine, yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Valeriya Gontareva và Phó Thống đốc thứ nhất Aleksandr Pisapchuk từ chức.

Đồng ý thảo luận khí đốt

Trong diễn biến liên quan đến việc mua bán khí đốt, tập đoàn Gazprom của Nga tuyên bố sẵn sàng thương thảo với Kiev về việc cung cấp khí đốt cho các khu vực ở miền Đông Ukraine. Người phát ngôn của Tập đoàn Gazprom Sergei Kupriyanov cho biết Ukraine đã trả trước tiền khí đốt cho họ tới hết tuần này.

Nga và Ukraine đồng ý tham gia cuộc đàm phán 3 bên về vấn đề khí đốt theo đề xuất của Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 2-3 tới tại Brussels (Bỉ). Thành phần tham gia đàm phán tại Brussels không chỉ có bộ trưởng Năng lượng Nga và Ukraine, mà dự kiến còn có lãnh đạo hai tập đoàn khí đốt lớn nhất hai nước là Gazprom (Nga) và Naftogaz (Ukraine). Về nội dung đàm phán, mục tiêu chính là EU muốn Nga và Ukraine đảm bảo thực hiện đúng các nghĩa vụ của mình trong cung cấp và vận chuyển khí đốt tới châu Âu. Trong đó, EU cho rằng nên tách riêng vấn đề Nga cung cấp khí đốt cho vùng Donbass xung đột khỏi các vùng khác của Ukraine.

EU đưa ra đề xuất trên trước bối cảnh chỉ còn vài ngày nữa Ukraine hết hạn trả tiền mua khí đốt trước cho Nga theo hợp đồng. Nếu phía Kiev không thanh toán đúng hạn, Mátxcơva sẽ ngừng cung cấp khí đốt sang nước này, hậu quả sẽ đe dọa nguồn cung khí đốt sang châu Âu, tái diễn kịch bản năm 2009 khi người dân châu Âu không có khí đốt để sưởi ấm giữa tháng 2 lạnh giá.

THANH HẰNG (tổng hợp)

>> Nga, EU viện trợ nhân đạo cho miền Đông Ukraine

Tin cùng chuyên mục