IS tiếp tục bành trướng ở Iraq và Syria

Đe dọa Baghdad
IS tiếp tục bành trướng ở Iraq và Syria

Ngày 23-5, kênh truyền hình CNN đưa tin tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã chiếm thêm một thị trấn của Iraq, đồng thời mở rộng địa bàn tại Syria. Trong khi đó, lực lượng an ninh Iraq cùng dân quân Shiite đã giành lại quyền kiểm soát Huseibah al-Sharqiyah, thị trấn nhỏ ở phía Đông TP  Ramadi.

Đe dọa Baghdad

Husayba là địa danh mới nhất của Iraq rơi vào tay IS. Thị trấn này cách TP Ramadi 17km về phía Đông. Ramadi là thủ phủ của tỉnh Anbar, lớn nhất Iraq, vừa bị IS đánh chiếm cách đây ít ngày. Một số nhân chứng cho biết sau khi kiểm soát thị trấn Husayba, IS đã tiến hành bắt giữ và hành quyết những người mà chúng cáo buộc hợp tác với cảnh sát hoặc quân đội Chính phủ Iraq.

Dòng người trốn chạy khỏi thành phố Ramadi, Iraq.

Theo CNN, phiến quân IS dường như tiếp tục hành quân về al Khalidiya, thị trấn nằm giữa Ramadi và căn cứ quân sự Habbaniya. Căn cứ này là điểm tập hợp lực lượng an ninh của Chính phủ Iraq và dân quân Shiite, để từ đó tiến đánh IS lấy lại Ramadi và các thị trấn khác của tỉnh Anbar. Với việc đẩy mạnh “Đông tiến”, IS đang tiếp cận ngày một gần hơn thủ đô Baghdad.

Trong khi đó, tại Syria, TP cổ Palmyra cũng rơi vào tay IS. Lực lượng phiến quân đã nắm quyền kiểm soát một chốt quân sự ở TP này sau khi đẩy lùi binh lính của quân đội Chính phủ Syria tại Palmyra. Theo một tổ chức nhân quyền của Syria, khoảng 11.000 người đã bỏ chạy khỏi Palmyra và các khu vực lân cận sau khi IS đã kiểm soát hầu hết khu vực này. Palmyra cách thủ đô Damascus hơn 240km về phía Đông Bắc, có tên trong danh sách Di sản thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa  LHQ (UNESCO). TP này được UNESCO mô tả là “ngã tư của các nền văn minh” với nghệ thuật và kiến trúc pha trộn của Hy Lạp, La Mã và Ba Tư. Đến thời điểm hiện nay, IS đã kiểm soát hơn 1/2 lãnh thổ Syria (10/14 tỉnh) cũng như các mỏ dầu và mỏ khí lớn của quốc gia này.

Tìm giải pháp hiệu quả

Cuộc xung đột kéo dài 4 năm qua tại Syria đã tạo đất sống cho IS. Vì lẽ đó, Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 23-5 đã kêu gọi cộng đồng quốc tế nỗ lực tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình tại Syria, tìm ra giải pháp chính trị trong vài tuần tới. Theo ông Hollande, giải pháp chính trị này phải có sự tham của cả Nga và Mỹ, đồng thời không nên tính tới việc can thiệp quân sự nước ngoài.

Trong khi đó, Nga cho biết sẽ viện trợ quân sự và nhân đạo cho Iraq nhằm hỗ trợ quốc gia Trung Đông trong cuộc chiến chống lại IS. Mỹ cam kết, trong tuần tới, sẽ chuyển giao cho Iraq khoảng 2.000 súng chống tăng AT-4, nhiều hơn 1.000 đơn vị so với thông báo trước đây. Ngoài ra, các cố vấn Mỹ cũng đang giúp huấn luyện phía Iraq sử dụng các phương tiện liên lạc hiệu quả hơn để phối hợp với các cuộc không kích của Mỹ. Liên quân do Mỹ đứng đầu bắt đầu không kích IS từ tháng 8-2014, nhằm vào hơn 6.000 mục tiêu ở Iraq và Syria.

Tuy nhiên, Phó Tổng thống Iraq Ayad Allawi đã bày tỏ sự hoài nghi về tính hiệu quả của những cuộc không kích của liên quân vào IS. Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Jordan, ông Allawi cho biết đã yêu cầu giới chức Iraq đề ra một chiến lược trong bối cảnh mà ông cho là chiến dịch không kích của liên minh quốc tế đã thất bại và không kiểm soát được sự bành trướng của IS.

IS đã thừa nhận nhận tiến hành vụ đánh bom đền thờ Hồi giáo dòng Shiite ở miền Đông Saudi Arabia ngày 22-5 làm ít nhất 21 người thiệt mạng, 81 người bị thương. IS đã nêu rõ phần tử đánh bom liều chết là Abu Amer al-Najdi. Đây là lần đầu tiên IS chính thức nhận là thủ phạm một vụ tấn công ở Saudi Arabia. Hội đồng Bảo an LHQ đã lên án mạnh mẽ vụ khủng bố này, đồng thời nhấn mạnh cần đưa những kẻ tổ chức, tài trợ và ủng hộ hành động khủng bố ra trước công lý, và IS phải bị đánh bại cũng như chấm dứt mọi bạo lực và thù hận.

Đỗ Cao (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục