Phút chót của Hy Lạp

Chỉ vài giờ trước khi kết thúc hạn chót là ngày 30-6 để trả khoản nợ 1,5 tỷ EUR cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Hy Lạp đã trình lên các chủ nợ đề xuất cứu trợ kéo dài 2 năm mới và đồng thời kêu gọi tiến hành tái cấu trúc nợ. Động thái này có vẻ như là nỗ lực cuối cùng của Hy Lạp nhằm giải quyết bế tắc trong đàm phán với các chủ nợ. Bộ trưởng tài chính khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) cho biết sẽ tổ chức một cuộc họp khẩn trực tuyến để thảo luận về đề xuất vào phút cuối trên của Hy Lạp vào tối cùng ngày.
Phút chót của Hy Lạp

Chỉ vài giờ trước khi kết thúc hạn chót là ngày 30-6 để trả khoản nợ 1,5 tỷ EUR cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Hy Lạp đã trình lên các chủ nợ đề xuất cứu trợ kéo dài 2 năm mới và đồng thời kêu gọi tiến hành tái cấu trúc nợ. Động thái này có vẻ như là nỗ lực cuối cùng của Hy Lạp nhằm giải quyết bế tắc trong đàm phán với các chủ nợ. Bộ trưởng tài chính khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) cho biết sẽ tổ chức một cuộc họp khẩn trực tuyến để thảo luận về đề xuất vào phút cuối trên của Hy Lạp vào tối cùng ngày.

Thị trường ảnh hưởng mạnh

Trong “ngày quyết định” số phận của Hy Lạp, khoảng 17.000 người dân nước này đã đổ ra đường phố ở thủ đô phản đối chính sách “thắt lưng buộc bụng” và kêu gọi nói “không” với chính sách này trong cuộc trưng cầu dân ý sắp tới. Đa số người biểu tình ủng hộ Thủ tướng Hy Lạp Tsipras, phản đối thỏa thuận vay mà theo đó, người dân tiếp tục thực thi chính sách khắc khổ đã khiến người dân khốn khó 5 năm qua.

Trong khi các nhà lãnh đạo châu Âu kêu gọi cử tri Hy Lạp nói “có” với các chính sách “thắt lưng buộc bụng” để tiếp tục nhận cứu trợ trong cuộc trưng cầu dân ý diễn ra ngày 5-7 tới, thì Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras kêu gọi người dân bình tĩnh. Mặc dù vậy, ông Tsipras khẳng định rõ ràng rằng Hy Lạp không thể thanh toán được khoản nợ 1,5 tỷ EUR cho IMF đúng thời hạn chót (30-6).

Những phản ứng tại Hy Lạp đã khiến thị trường thế giới hỗn loạn. Lần đầu tiên tại Australia, một thị trường dường như không liên quan gì đến Hy Lạp, nhưng hơn 35 tỷ USD trên thị trường chứng khoán Australia đã “bốc hơi” ngay trong những giờ giao dịch đầu tiên của phiên mở cửa ngày 29-6. Giá dầu mỏ và giá vàng trên thị trường thế giới đã có những chuyển động trái chiều. Trong khi giá dầu giảm mạnh, thì trong phiên giao dịch ngày 29-6, giá vàng thế giới lại tăng trong bối cảnh bất ổn này.

Người dân Hy Lạp biểu tình nói “không” với chính sách thắt lưng buộc bụng.

EU níu chân Hy Lạp

Nhằm cứu Hy Lạp thoát khỏi cảnh vỡ nợ, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã đưa ra một đề nghị vào phút cuối đối với Athens. Theo đó, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras sẽ phải gửi văn bản chấp thuận với đề xuất hôm 28-6 của các chủ nợ vào trước ngày 30-6 - đúng thời điểm tổ chức cuộc họp khẩn của bộ trưởng tài chính các nước khu vực Eurozone và nhất trí vận động ủng hộ gói cứu trợ tài chính trong cuộc trưng cầu dân ý theo kế hoạch sẽ diễn ra vào ngày 5-7 tới. Nếu đề xuất trên được chấp thuận, các bộ trưởng tài chính khu vực Eurozone có thể xem xét gia hạn các khoản nợ đáo hạn, giảm lãi suất và gia hạn thời gian hoãn trả lãi đối với các khoản vay mà các nước khu vực Eurozone dành cho Hy Lạp, dự kiến sẽ được thực hiện vào tháng 10 tới.

Trước đó, lãnh đạo Nghị viện châu Âu (EP) cũng tiến hành phiên họp đặc biệt để thông qua lập trường chung nhằm tìm giải pháp kéo dài chương trình cứu trợ, coi đây như biện pháp tạm thời cho đến khi Hy Lạp hoàn tất cuộc trưng cầu dân ý trên. Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Pháp Francois Hollande đã có cuộc điện đàm và nhất trí rằng điều quan trọng hiện nay là thống nhất về một gói các biện pháp cải cách cho Hy Lạp để nước này quay trở lại quỹ đạo phát triển bền vững. Đây được xem là những dấu hiệu tích cực từ phía Liên minh châu Âu (EU) nhằm nối lại các cuộc đàm phán với Hy Lạp.

Đề cập đến tình hình Hy Lạp, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường bày tỏ mong muốn giữ Athens ở lại Eurozone, tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ tại quốc gia Nam Âu này. Mặc dù không trả lời trực tiếp liệu Bắc Kinh có sẵn sàng cho Athens vay tiền để giải quyết những khó khăn hiện nay hay không, song Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết Trung Quốc đã có những nỗ lực riêng dành cho Hy Lạp.

HẠNH CHI (tổng hợp)

>> Hy Lạp đóng cửa toàn bộ hệ thống ngân hàng

Tin cùng chuyên mục