Cường quốc hòa bình

Hội nghị thế giới về tiếng Phạn lần thứ 16 đang diễn ra tại Bangkok, Thái Lan thu hút sự quan tâm của hơn 600 học giả đến từ 60 quốc gia trên thế giới. Ấn Độ chiếm số lượng đông đảo về số học giả tham dự hội nghị với 250 người. Ngoài ra, 2 quan chức cấp cao của Ấn Độ là Ngoại trưởng Sushma Swaraj và Bộ trưởng Phát triển nguồn nhân lực Smriti Irani cũng có mặt tại hội nghị năm nay.

Việc số lượng học giả Ấn Độ chiếm đa số sẽ là điều bình thường, bởi quốc gia này được cho là nơi khai sinh ra tiếng Phạn. Tuy nhiên, việc hai quan chức cấp cao, trong đó có người đứng đầu về chính sách đối ngoại của Ấn Độ, cùng đến dự cho thấy New Delhi thực sự coi trọng hội nghị trên. Với động thái này, nhiều ý kiến cho rằng sau khi được cả thế giới ghi nhận với Ngày quốc tế Yoga 21-6, Ấn Độ tiếp tục đẩy mạnh quảng bá văn hóa của mình ra thế giới bằng việc chia sẻ thêm một di sản văn hóa của nước này.

Trở lại với ngày Quốc tế Yoga lần đầu tiên vừa qua, hình ảnh hàng trăm ngàn người yêu thích Yoga kéo căng cơ thể trên những tấm thảm tại Quảng trường Thời đại ở New York (Mỹ), bên bờ sông Thames ở London (Anh) hay dưới chân tháp Eiffel ở Paris (Pháp) đã thực sự gây ấn tượng mạnh mẽ với người dân trên toàn thế giới. Ý tưởng đưa Yoga ra thế giới của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã bước đầu thành hiện thực. Điều được nhiều người quan tâm ở đây là liệu văn hóa có phải là sức mạnh mềm giúp Ấn Độ thực hiện vai trò của một cường quốc trên thế giới trong thời gian tới hay không.

Joseph Nye, nhà khoa học, chính trị của Mỹ, người đặt ra thuật ngữ “sức mạnh mềm” định nghĩa rằng sức mạnh mềm đối nghịch với sức mạnh cứng, những gì thuộc về sức mạnh quân sự và kinh tế. Cũng theo định nghĩa này, nếu sức mạnh là năng lực để một quốc gia gây ảnh hưởng đến những nước khác để đạt được những mục đích mà quốc gia đó mong muốn, thì sức mạnh mềm là nằm trong số những thứ được xem là có sức hấp dẫn nhất của một quốc gia và đó là sức mạnh thuyết phục gián tiếp. Trong trường hợp của Ấn Độ, Ngày quốc tế Yoga đã giúp quốc gia Nam Á này tăng cường được hình ảnh hấp dẫn: là quốc gia đóng góp vào sự phát triển hài hòa của cơ thể và tâm trí. Hình ảnh về một Ấn Độ yên bình dễ dàng được cả thế giới chấp nhận.

Trong những năm gần đây, Ấn Độ được biết đến nhiều là một trong những nền kinh tế có sức tăng trưởng mạnh mẽ của khu vực châu Á, với mức tăng bình quân gần 8%. Đây chính là một trong những lý do để Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) hồi tháng 3 vừa qua đưa ra dự báo rằng Ấn Độ sẽ dẫn dắt tăng trưởng ở châu Á. Sức mạnh quân sự của Ấn Độ thì không phải bàn cãi.

Tuy nhiên, New Delhi không sử dụng sức mạnh cứng mà dường như đang hướng tới việc sử dụng sức mạnh mềm để mở rộng tầm ảnh hưởng đến những quốc gia khác. Với việc tham gia biểu diễn tập thể Yoga, Thủ tướng Ấn Độ Modi đang muốn gửi đi một thông điệp rằng Ấn Độ muốn là một cường quốc hòa bình, muốn tăng cường hợp tác với các nước vì lợi ích hài hòa của mỗi quốc gia như Yoga hài hòa về cơ thể và tâm trí.

Một cường quốc thật sự phải là một quốc gia có trách nhiệm, không thể ỷ thế nước lớn, dựa vào những sức mạnh cứng, để rồi cho mình cái quyền được áp đặt, đòi hỏi lợi ích bất chấp lẽ phải và pháp lý. Sức mạnh mềm của Ấn Độ đang phần nào cho thấy New Delhi không muốn xây dựng một hình ảnh của một cường quốc xấu xí trong tương lai.

ĐỖ VĂN

Tin cùng chuyên mục