Eurozone bớt lo

ĐỖ CAO

Các cuộc đàm phán giữa các chủ nợ quốc tế và Hy Lạp về gói cứu trợ mới cho Athens trị giá 86 tỷ EUR đang tiếp tục diễn ra khiến nhiều thành viên trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) không khỏi đau đầu. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, khác với 4 năm trước, mối lo Hy Lạp bị loại khỏi Eurozone đã không tạo nên một làn sóng hoảng loạn trên thị trường tài chính thế giới.

Vào đỉnh điểm của khủng hoảng nợ công Hy Lạp năm 2011, nguy cơ Athens bị vỡ nợ đã làm rúng động các thị trường tài chính trên thế giới. Các nhà đầu tư tư nhân đã ồ ạt bán trái phiếu Chính phủ Hy Lạp và những nền kinh tế kém cỏi nhất trong khu vực. Hậu quả là các quốc gia như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và thậm chí là cả những nền kinh tế lớn của châu Âu như Italia hay Pháp, bỗng chốc phải đi vay tín dụng trên thị trường với lãi suất chóng mặt. Lãi suất tín dụng 10 năm của Bồ Đào Nha vào năm 2012 đã tăng lên tới 18%. Trong khi con số này của Đức không vượt quá ngưỡng 2%.

Một tác động khác ảnh hưởng rộng rãi đến Eurozone cách nay 4 năm, là nhiều ngân hàng của Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Bỉ... bị đe dọa kéo vào vòng xoáy của Hy Lạp do nắm giữ quá nhiều nợ công của quốc gia này. Cuộc khủng hoảng nợ công của Hy Lạp vào năm 2011 còn đưa ra ánh sáng tình trạng nợ nần chồng chất của nhiều thành viên khác trong Eurozone. Pháp, Italia đã lập tức phải trấn an các nhà đầu tư và liên tục cắt giảm chi tiêu công để giữ uy tín trên các thị trường tài chính.

Nhưng lần này, những khó khăn của Hy Lạp không làm dấy lên một cơn sốt tài chính trong toàn khu vực. Không có hiện tượng trái phiếu của Tây Ban Nha hay Italia bị bán tháo; Bồ Đào Nha đi vay với lãi suất 3% chứ không phải với lãi suất 18% như 4 năm trước. Đáng chú ý hơn, khi các nước thành viên của Eurozone phát hành trái phiếu, trái phiếu của họ vẫn được hưởng ứng rộng rãi... Những dấu hiệu đó cho thấy quốc tế vẫn rất tin tưởng vào Eurozone.

Theo chuyên gia tài chính ngân hàng Natixis Jean-Francois Robin, sự khác biệt đó bắt nguồn từ chỗ Eurozone đã có những bước chuẩn bị chặt chẽ để đối phó với mọi tình huống. Thêm vào đó, những thành viên yếu kém nhất như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha đã liên tục cải tổ và thành công. Tăng trưởng bắt đầu xuất hiện. Một số quốc gia, nổi bật nhất là Tây Ban Nha, đã đẩy lui thất nghiệp. Trong 5 năm qua, châu Âu cũng đã tạo cho mình thêm nhiều công cụ để ngăn chặn đà lây lan của các cuộc khủng hoảng kinh tế. Những công cụ đó gồm Liên minh ngân hàng châu Âu, Cơ chế ổn định tài chính châu Âu. Nhưng quan trọng hơn cả là Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã điều chỉnh chính sách tiền tệ. Từ đầu tháng 3-2015, hàng tháng ECB mua vào 60 tỷ EUR trái phiếu của các quốc gia thành viên Eurozone, một biện pháp không khác gì bơm tiền vào cỗ xe kinh tế của khu vực để tạo đà tăng trưởng và kìm hãm giảm phát.
Tất cả những yếu tố vừa nêu giúp cho khối Eurozone vững tâm hơn trong lúc Athens và các chủ nợ tiếp tục đàm phán về nợ của Hy Lạp. Tuy nhiên, nếu như vào mùa thu này, Cục dự trữ liên bang Mỹ siết chặt chính sách tiền tệ, nâng lãi suất và không có tiến triển trên hồ sơ Hy Lạp, chưa chắc Eurozone tiếp tục được bình an.

ĐỖ CAO

Tin cùng chuyên mục