Tuân thủ luật pháp quốc tế, phản đối gây căng thẳng ở biển Đông

Tại Hội nghị quan chức cấp cao lần thứ 9 giữa Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về việc thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) vừa diễn ra tại Thiên Tân (Trung Quốc), các bên nhất trí tiếp tục thực hiện hiệu quả toàn diện DOC, phù hợp với lợi ích chung, có lợi cho thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc-ASEAN phát triển lành mạnh.
Tuân thủ luật pháp quốc tế, phản đối gây căng thẳng ở biển Đông

Tại Hội nghị quan chức cấp cao lần thứ 9 giữa Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về việc thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) vừa diễn ra tại Thiên Tân (Trung Quốc), các bên nhất trí tiếp tục thực hiện hiệu quả toàn diện DOC, phù hợp với lợi ích chung, có lợi cho thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc-ASEAN phát triển lành mạnh.

Tuân thủ DOC, hướng tới COC

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Liu Zhenmin, hội nghị đã phê chuẩn chương trình làm việc thực hiện DOC giai đoạn 2015-2016, xem xét và thông qua văn kiện nhận thức chung thứ hai về thương thảo Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC). Liên quan tới đàm phán về COC, các bên quyết định chuyển sang giai đoạn thương thảo những vấn đề quan trọng và phức tạp, để tìm ra yếu tố chung cho dự thảo khung COC.

Hội nghị còn trao đổi về các biện pháp mang tính dự phòng kiểm soát rủi ro trên biển, nghiên cứu thảo luận về các quy tắc ứng xử nếu xảy ra đụng độ bất ngờ trên biển giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, cũng như thiết lập đường dây nóng tiếp xúc trên biển giữa quân đội các nước. Ông Liu Zhenmin khẳng định việc giải quyết vấn đề biển Đông cần có sự chuẩn bị ứng phó lâu dài. Mục đích ứng phó là nhằm kiểm soát tốt sự bất đồng, giữ gìn hòa bình và tự do hàng hải.

Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Noppadon Theppitak tin tưởng rằng với quyết tâm thể hiện tại hội nghị, các bên có thể biến thách thức thành cơ hội hợp tác bằng việc tuân thủ đầy đủ các quy định của DOC và tiến tới là COC. Trong khi đó, chuyên gia cấp cao về các vấn đề Đông Nam Á của Viện hàn lâm khoa học xã hội Xu Liping đánh giá cao ý tưởng về đường dây nóng được thiết lập kịp thời, tạo được sự tin tưởng lẫn nhau giữa các bên.

Phản đối các hành vi gia tăng căng thẳng

Trong bối cảnh Trung Quốc có nhiều động thái trên biển Đông làm gia tăng quan ngại đối với cộng đồng quốc tế, Tiến sĩ Patrick M. Cronin, chuyên gia cao cấp về An ninh châu Á-Thái Bình Dương tại Trung tâm an ninh mới của Mỹ (New American Security Center) đã đề ra các cách thức xử lý thách thức trên biển Đông. Trong đó, ông Cronin nhấn mạnh đến những nguyên tắc bất di bất dịch: tôn trọng luật quốc tế, duy trì quyền tự do hàng không và hàng hải…

Người dân Philippines phản đối Trung Quốc tranh chấp bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham.

Chuyên gia này còn kêu gọi Mỹ và cộng đồng quốc tế cần phải lên án những hành vi làm gia tăng căng thẳng trên biển Đông. Trước hết là các hành vi nhằm vào các thực thể đang do nước khác kiểm soát như việc Trung Quốc chiếm đóng trái phép một số đảo thuộc Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam cho đến việc chiếm giữ các thực thể không có người ở bằng cách xua đuổi ngư dân, tàu thuyền của nước khác, như trường hợp bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham nơi xảy ra tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc.

Loạt hành vi sai trái thứ hai là việc tuyên bố chủ quyền đối với các thực thể không phải là đảo, tức là các bãi cạn hay bãi ngầm, như trong trường hợp Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam cũng như đòi hỏi quá đáng về lãnh hải hay vùng đặc quyền kinh tế từ những đường cơ sở không phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, và việc tuyên bố chủ quyền quá mức so với quy định của luật pháp quốc tế về phân định biển, như yêu sách về vùng biển bên trong đường chín đoạn của Trung Quốc hiện nay.

Loạt hành vi thứ ba là việc tuyên bố những vùng cảnh báo quân sự giả hiệu, mà theo ông Cronin chính là việc Trung Quốc đã từng làm với giàn khoan Hải Dương-981 và thiết lập một vùng nhận dạng phòng không trên vùng biển đảo đang tranh chấp.

Ngày 31-7, hãng tin Kyodo đưa tin, theo dự thảo tuyên bố chung dự kiến được ASEAN thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 48 (AMM 48) vào ngày 4-8 tới, các bộ trưởng sẽ bày tỏ quan ngại đối với tốc độ đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) và muốn tăng tốc đàm phán về COC

ĐỖ CAO (tổng hợp)

>> Mỹ quan ngại khả năng Trung Quốc thâu tóm biển Đông

Tin cùng chuyên mục