Bất tín với môi trường

HẠNH CHI

Chiều ở thành phố Jincheng, một thành phố đầy khói bụi của Trung Quốc, nhiều đoàn xe tải chở đầy than xếp thành những hàng dài. Trên một đại lộ lớn lắp đầy những bảng điện mang cùng một thông điệp: “Giá than đang tăng, thợ mỏ đang mỉm cười”. Allan Zhang, một kỹ sư điện làm việc tại mỏ than ở đây cho biết chủ của anh đã nâng lương tháng cho anh lên gần 50% từ mùa hè qua.

Tất cả cho thấy mặc dù đã cam kết giảm sản lượng than để góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm và đã có nhiều kế hoạch đi vào hoạt động nhằm kiềm chế sản lượng đầu ra của ngành khai thác than, đáp ứng mục tiêu giảm lượng khí thải ra môi trường, nhưng các nhà hoạch định chiến lược Trung Quốc dường như đã thay đổi chính sách. 

Chỉ riêng lượng than nhập khẩu bằng đường biển trong tháng 10 của Trung Quốc đã tăng hơn gần 3 triệu tấn so với 17,06 triệu tấn ước tính cho tháng 9. Mức tăng đáng kể của tháng 10 cho thấy nhu cầu nhập khẩu than của Trung Quốc vẫn không hề suy giảm dù giá than nhiệt và than cốc tăng vọt. Theo International Business Times, Trung Quốc đã yêu cầu các công ty khai mỏ nhanh chóng tăng sản lượng trước khi mùa đông về và để hạn chế giá tăng. Các mỏ than đã tái khởi động. Mặc cho các dự án thủy điện đầy tham vọng, các tấm năng lượng Mặt trời lớn nhất thế giới và các turbin gió khổng lồ, than vẫn tạo ra 3/4 sản lượng điện của Trung Quốc. Lượng điện tạo ra từ năng lượng Mặt trời hiện nay chỉ chiếm 0,6% tổng lượng điện của Trung Quốc, còn năng lượng từ gió chiếm 3,6%.

Do những rắc rối về ô nhiễm môi trường và những lo lắng vì mực nước biển dâng cao, Trung Quốc đã chủ động giảm lượng than xuống 3% trong năm ngoái. Chính từ sự chủ động này của Bắc Kinh, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đã lạc quan đánh giá rằng “sử dụng than của Trung Quốc đạt đỉnh điểm vào năm 2013 và bây giờ sẽ giảm”.

Nhưng giờ đây, sự đảo ngược chiến lược than của Trung Quốc đang gây ra nhiều hoài nghi. Ông Xizhou Zhou, nhà phân tích hàng đầu về năng lượng châu Á - Thái Bình Dương tại Tổ chức tư vấn toàn cầu IHS Energy nhận định “đang sắp có một đỉnh cao mới”. Johannes Trüby, chuyên gia phân tích năng lượng cấp cao của IEA nhận định, về xu hướng lâu dài, nhìn chung sử dụng than của Trung Quốc sẽ giảm. Nhưng bây giờ thì Trung Quốc đang tăng sản xuất than.

Từng cam kết sẽ cùng với những nỗ lực toàn cầu để ngăn chặn biến đổi khí hậu, nhưng nếu như 2 năm trước, vấn đề cắt giảm khí thải dường như dễ thực hiện hơn đối với Bắc Kinh thì hiện nay các doanh nghiệp khai thác than của nhà nước đổ xô vay tiền ngân hàng nhà nước để tiếp tục xây thêm nhiều mỏ, đưa vào hoạt động. Trong tháng này, Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia đã cho phép tăng số ngày mỏ than được cho phép hoạt động từ 276 ngày/năm từ năm ngoái lên 330 ngày trong năm nay.

Theo New York Times, lập trường không vững chắc của Mỹ về hiện tượng ấm dần của Trái đất dưới chính quyền của tổng thống mới đắc cử Donald Trump đã trao cho Trung Quốc vai trò dẫn đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, với các mỏ than đang được mở, thợ mỏ đang được lôi kéo trở lại làm việc với những khoản lương béo bở hơn... Trung Quốc khó có thể đáp ứng được các mục tiêu khí thải khi mà nguồn khí thải từ than đá của Trung Quốc vẫn là nguồn thải khí carbon từ hoạt động con người lớn nhất thế giới.


HẠNH CHI

Tin cùng chuyên mục