Thế giới căng thẳng những ngày đầu năm Bính Thân

Bất ổn biển Đông
Thế giới căng thẳng những ngày đầu năm Bính Thân

Ngày cuối cùng của năm Ất Mùi và những ngày đầu tiên của năm Bính Thân 2016 đã diễn ra nhiều sự kiện thế giới đáng chú ý. Nổi bật nhất là vụ Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo. Điều đó cho thấy trong năm 2016, thế giới vẫn tồn tại vấn đề của những năm trước chưa được giải quyết, đi cùng những dự báo sẽ phát sinh những vấn đề mới căng thẳng hơn.

Bất ổn biển Đông

Sau khi Triều Tiên phóng tên lửa vào ngày 7-2, các quan chức quốc phòng của Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản ngày 9-2 đã có cuộc họp trực tuyến để chia sẻ thông tin. Tại cuộc họp, các quan chức tham gia nhất trí rằng vụ thử hạt nhân của Triều Tiên trong tháng 1-2016 và vụ phóng tên lửa ngày 7-2 đã vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (HĐBA LHQ) và gây ra các mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh khu vực. Theo Yonhap, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tái khẳng định rằng vụ phóng tên lửa của Triều Tiên là một “hành động khiêu khích không thể chấp nhận được”. Phía Hàn Quốc quyết định ngừng hoạt động các nhà máy tại khu công nghiệp Kaesong. Nhật Bản siết chặt các biện pháp trừng phạt Triều Tiên.

Vụ phóng tên lửa của Triều Tiên là chủ đề nóng nhấttrong những ngày đầu năm Bính Thân. (Ảnh: EPA)

Đến ngày 10-2, Giám đốc Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ James Clapper cùng trung tướng Mỹ Vincent Stewart, giám đốc Cơ quan tình báo quốc phòng Mỹ trong cuộc điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện tuyên bố Triều Tiên là mối đe dọa lớn và không thể đoán trước với chương trình phát triển tên lửa.

Bên cạnh vấn đề Triều Tiên, an ninh biển Đông cũng trở nên cấp bách hơn. Hãng PTI đưa tin Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 7-2 cho rằng mối đe dọa khủng bố từ hướng biển và nạn cướp biển là hai thách thức chủ chốt đối với an ninh biển, đồng thời bày tỏ tôn trọng tự do hàng hải ở biển Đông. Thủ tướng Modi cho rằng các nước phải “tôn trọng và đảm bảo tự do hàng hải, hợp tác chứ không đua tranh”. Ông Modi còn cho rằng môi trường biển hòa bình và ổn định có vai trò sống còn đối với an ninh khu vực và toàn cầu. Ngày 8-2, một số nguồn tin ngoại giao cho biết Mỹ, Nhật Bản, Australia và Philippines dự kiến sẽ tổ chức một cuộc gặp giữa lãnh đạo lực lượng bảo vệ bờ biển các nước này nhằm tăng cường hợp tác trong bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng các hoạt động hàng hải trong khu vực. Theo các nguồn tin trên, đây là hội nghị 4 bên đầu tiên giữa lãnh đạo lực lượng bảo vệ bờ biển các nước, dự kiến được tổ chức tại Philippines vào mùa xuân năm 2016. Hội nghị này dự kiến sẽ đưa ra một khuôn khổ hợp tác trong tương lai với mục tiêu tăng cường an ninh hàng hải, bao gồm các hoạt động hợp tác trong việc mua sắm trang thiết bị và tập huấn chung.

Cuộc đối đầu Nga - NATO và vấn đề di dân nan giải

Trong khi đó, cuộc đối đầu Nga - NATO trở nên gay gắt hơn. Tờ Wall Street Journal (WSJ) của Mỹ ngày 8-2 đưa tin Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang soạn thảo chiến lược phản ứng nhanh nhằm đối phó với các phương pháp chiến tranh phi truyền thống của Nga. Trong chiến lược mới, NATO sẽ cử chuyên gia an ninh mạng để ngăn chặn các cuộc tấn công của tin tặc, các chuyên gia truyền thông để chống lại hoạt động tuyên truyền, cũng như triển khai các nhóm quân tiên phong phản ứng nhanh của NATO. Ngoài ra, theo Sputnik, NATO đang xem xét kế hoạch triển khai hàng ngàn quân ở Đông Âu và các nước vùng Baltic. Phía Nga cũng đáp lại với cuộc tập trận vào ngày 10-2 sẵn sàng chiến đấu với 8.500 binh sĩ, hàng chục tàu thuyền và máy bay tại khu vực giáp phía Đông Ukraine. Theo BBC, các bài tập bao gồm việc triển khai nhanh chóng quân đội từ khoảng cách 3.000km và chuẩn bị các đường băng khẩn cấp cho lực lượng không quân.

Trong khi đó, tình hình di dân tại châu Âu cũng tiếp tục gây đau đầu cho châu lục này. Theo báo Đức Spiegel, ngày 9-2, trong các cuộc thảo luận với lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU), Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan dọa sẽ để toàn bộ người tị nạn từ nước này tràn vào EU nếu Ankara không nhận được tiền từ châu lục này. Ông Erdogan yêu cầu EU sớm chuyển tiền cho Thổ Nhĩ Kỳ như đã hứa nhằm cải thiện tình hình người tị nạn Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara yêu cầu EU 6 tỷ EUR thay vì 3 tỷ EUR như EU xác nhận trước đó. Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) ngày 9-2 cho biết, có hơn 76.000 người tị nạn và di cư đã đến châu Âu trong 6 tuần đầu tiên của năm 2016, tương đương mỗi ngày có 2.000 người di cư đã cập bến các bờ biển châu Âu, tăng gần 10 lần so với mức trung bình của năm ngoái. Thống kê cho thấy có 409 người đã mất mạng khi đến châu Âu tính từ đầu năm nay.


THỤY VŨ (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục