Phản ứng của thế giới về việc Anh rời EU

>>
Phản ứng của thế giới về việc Anh rời EU

>> Anh trở thành quốc gia đầu tiên rời khỏi EU
>> Thủ tướng Anh tuyên bố từ chức
>> Anh rời EU gây cú sốc liên hoàn trên các thị trường dầu mỏ và tài chính

Sau khi người Anh bỏ phiếu quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), các nhà lãnh đạo châu Âu ngày 24-6 đã bắt đầu đưa ra những phản ứng trước quyết định mang tính lịch sử này.

Thủ lĩnh Đảng Độc lập Anh (UKIP) ông Nigel Farage mừng chiến thắng. Ảnh: Reuters

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk tuyên bố EU quyết tâm thể hiện sự đoàn kết sau khi cử tri Anh quyết định nước này rời khỏi EU. Trong tuyên bố của mình, ông Tusk tuyên bố: "Thay mặt lãnh đạo của 27 nước, tôi có thể tuyên bố rằng chúng tôi quyết tâm duy trì sự đoàn kết. Đây là thời khắc lịch sử nhưng chắc chắn không phải thời khắc của những phản ứng kích động".

Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault cho rằng đây là quyết định "đáng buồn" khi người Anh lựa chọn rời khỏi "mái nhà chung" EU, đồng thời cho rằng châu Âu cần nhanh chóng lấy lại niềm tin của người dân trong khối này.

Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho biết ông rất lấy làm tiếc về quyết định của người dân Anh khi chọn rời khỏi EU, đồng thời gọi ngày 24-6 là "ngày buồn của châu Âu". Ông viết trên Twitter: "Tin tức từ Anh thực sự nghiêm trọng. Có vẻ như một ngày buồn cho châu Âu và Anh".

Những người ủng hộ Anh rời khỏi EU vẫy cờ bên ngoài Phố Downing ở London sau khi có kết quả trưng cầu dân ý. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, lãnh đạo đảng Mặt trận Dân tộc cực hữu Pháp Marine Le Pen - một trong những ứng cử viên tranh cử Tổng thống Pháp nhiệm kỳ tới, đã hoan nghênh quyết định của người Anh và kêu gọi nước Pháp và các nước châu Âu khác tiến hành các cuộc trưng cầu ý dân tương tự như ở Anh.

Còn tại Hà Lan, nghị sĩ có quan điểm chống đạo Hồi, Geert Wilders đã kêu gọi nước này tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về việc có nên rời khỏi EU hay không.

Một quan chức Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Barack Obama đã được thông báo về diễn biến trên. Ông có thể sẽ trao đổi với Thủ tướng Cameron về vấn đề này vào ngày mai.

 Những hệ quả trước mắt của việc Anh rời EU

Kết quả của cuộc trưng cầu ý dân tại Anh đã chính thức ngã ngũ, với việc phe ủng hộ rời Liên minh châu Âu EU giành chiến thắng. Giới chuyên gia dự báo “cuộc hôn nhân” đứt gánh này sẽ kéo theo nhiều tác động tiêu cực.

Ước tính, Brexit sẽ khiến Anh mất đi một thị trường ổn định 500 triệu dân ở các nước EU, dẫn tới thiệt hại 6% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2020, bởi hơn một nửa số hàng hóa xuất khẩu của Anh hiện có điểm đến là các nước EU, đóng góp từ 4-5% GDP.

Ngoài ra, ngành ngân hàng, vốn đóng góp tới 8% tổng sản lượng kinh tế Anh, cũng sẽ bị ảnh hưởng khi Anh không còn là thành viên của EU. Giới chuyên gia nhận định nhiều khả năng các ngân hàng quốc tế lớn như Bank of America, Morgan Stanley hay Citigroup sẽ chuyển sang một nước EU khác để trực tiếp kết nối với thị trường rộng lớn chứ không còn mặn mà với Anh như trước.

Hãng Rolls-Royce chuyên sản xuất hệ thống năng lượng, vũ khí và hàng không-không gian hồi đầu tuần này cho rằng Brexit có thể khiến nhà máy thử nghiệm bộ phận động cơ xe ở Đức đứng trước nhiều rủi ro, cũng như khiến lợi thế cạnh tranh rơi vào tay các đối thủ Mỹ. Mối quan ngại của nhà lãnh đạo doanh nghiệp này là tâm trạng chung của nhiều công ty đa quốc gia đang hoạt động ở Anh hiện nay, bởi hoạt động kinh doanh của các công ty đa quốc gia vốn có sự kết nối rộng khắp toàn châu Âu. Ngoài ra, các chuyên gia dự báo đồng bảng Anh cũng sẽ rớt giá 14%-15% chỉ trong vòng một năm, đẩy nước Anh đứng trước nguy cơ mất đi vị trí trung tâm tài chính toàn cầu.

Không chỉ làm suy yếu nền kinh tế, Brexit còn có thể kéo theo nguy cơ khiến xã hội Anh trở nên bất ổn. Hơn 2,2 triệu người Anh đang sinh sống và làm việc lại các nước khác trong EU, có thể lâm vào cảnh thất nghiệp, đồng thời bị cắt đứt mọi quyền lợi tiếp cận ưu đãi trong xã hội.

Ngoài ra, Brexit cũng có thể tạo ra một tiền lệ xấu, khiến xứ Wales hay Scotland, vốn là khu vực có tỷ lệ ủng hộ EU rất cao, sẽ tiến hành trưng cầu ý dân để tách khỏi Vương quốc Liên hiệp Anh. Một viễn cảnh tồi tệ hơn nữa đó là các nước như Đức, Pháp, Tây Ban Nha... cũng có khả năng tách khỏi EU sau khi phe ủng hộ rời EU tại Anh giành chiến thắng, từ đó đẩy liên minh này đứng trước nguy cơ tan rã.

TR.VŨ (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục