Đến đại học cũng giả

Có vẻ như không sai khi nói Trung Quốc là “cái nôi” của hàng giả. Chỉ riêng lĩnh vực giáo dục, tệ nạn bằng giả hoành hành nước này nhiều năm qua chưa kịp lắng xuống thì nay đến đại học cũng bị giả. Ngày 27-6, Trung Quốc đã công khai danh sách 30 trường đại học giả để cảnh báo hàng triệu học sinh khi mùa tuyển sinh đại học đang đến gần.

Có vẻ như không sai khi nói Trung Quốc là “cái nôi” của hàng giả. Chỉ riêng lĩnh vực giáo dục, tệ nạn bằng giả hoành hành nước này nhiều năm qua chưa kịp lắng xuống thì nay đến đại học cũng bị giả. Ngày 27-6, Trung Quốc đã công khai danh sách 30 trường đại học giả để cảnh báo hàng triệu học sinh khi mùa tuyển sinh đại học đang đến gần.

Hãng tin Tân Hoa xã cho biết, các trường đại học chuyên lừa đảo có mặt khắp 12 tỉnh của Trung Quốc, gồm cả Bắc Kinh và Thượng Hải. Các tổ chức này là một phần của một mạng lưới lừa đảo rộng lớn và tinh vi. Chúng lừa sinh viên ghi danh vào học bằng cách thu học phí thông qua các công ty được chúng dựng lên, với chiêu trò giả danh tư cách pháp nhân cho các trường này. Các trường đại học giả gửi thông báo tuyển sinh, cùng với một số tài khoản ngân hàng, sớm hơn so với các trường đại học thật và yêu cầu học sinh gửi học phí vào tài khoản.

Sự lừa đảo tinh vi đến nỗi đã có nhiều sinh viên Trung Quốc cho biết, họ đã theo học nhiều năm và chỉ phát hiện ngay trước khi tốt nghiệp. Các trường đại học giả của Trung Quốc thường có những cái tên rất giống với trường thật hoặc giả danh các trung tâm luyện thi nổi tiếng để lừa cả trong giai đoạn ôn thi. Trong số 30 trường bị tố là Đại học Bắc Kinh Xinghua, Cao đẳng nghiên cứu Ngoại giao Bắc Kinh, Đại học Công nghệ dạy nghề Tứ Xuyên… và thậm chí mượn cả tên kỳ quan là Viện Nghiên cứu Vạn Lý Trường Thành Bắc Kinh.

Một trang web đặc biệt được thành lập vào năm 2013 để theo dõi hiện tượng này. Anh Xia Xue, người điều hành trang web đó, nói với Tân Hoa xã rằng, rất dễ phát hiện hành vi lừa đảo khi họ giả mạo tên của các trường đại học nổi tiếng nhưng khó khăn ở chỗ xác định thủ phạm. Năm 2015, nhóm của Xia nêu tên đến 18 trường đại học giả mạo và nếu tính từ năm 2013, con số này là 400 trường đại học giả. Một số trường đại học giả lấy cắp hình ảnh và thông tin về các khóa học và ngành từ những trang web của các trường đại học thật để thực hiện hành vi lừa đảo.

Nhưng với những người theo học tại các trường đại học giả không phải lúc nào cũng là nạn nhân vô tội. Trong số này, có những học sinh yếu kém không đủ sức học đại học nhưng muốn có bằng đại học đã chủ động tìm đến các đại học giả để cốt lấy được bằng. Cư dân mạng trên khắp cả nước Trung Quốc đang được khuyến cáo cung cấp thông tin về các trường đại học giả qua phương tiện truyền thông xã hội.

Trong một trường hợp bị phát hiện, có đến 3 trường đại học giả ở các tỉnh Quảng Đông, Sơn Đông và Hồ Nam cùng có địa chỉ IP (địa chỉ gốc trên Internet) cùng đăng ký ở Hồng Công. Điều đó cho thấy, những kẻ lừa đảo điều hành một lúc nhiều trường đại học giả mạo. Cơ quan giáo dục Trung Quốc đang phối hợp với cảnh sát để điều tra và đóng cửa các trường đại học giả mạo này.

Xã hội trọng bằng cấp và trọng thầy hơn thợ của Trung Quốc đang dẫn đến một hệ lụy không nhỏ trong giáo dục và hậu quả làm phát sinh nhiều vấn đề nan giải. Những người nắm bằng giả trong tay hoặc tốt nghiệp các trường đại học giả, nhất là với những ngành nghề như bác sĩ, nhà giáo và kỹ sư, chắc chắn sẽ mang lại những tác hại to lớn cho xã hội.


KHÁNH MINH

Tin cùng chuyên mục