Lợi ích quốc gia là tối thượng

Vì an ninh quốc gia
Lợi ích quốc gia là tối thượng

Sau thời gian xem xét, cân nhắc, Bộ Tài chính Australia đã chính thức cấm 2 công ty Trung Quốc dự thầu một mạng lưới điện vì lý do an ninh quốc gia. Bộ trưởng Tài chính Scott Morrison cho biết, khi đưa ra quyết định này lợi ích quốc gia là tối thượng.

Australia cấm công ty Trung Quốc dự thầu thuê mạng lưới điện Ausgrid vì lý do an ninh

Vì an ninh quốc gia

Theo tờ The Sydney Morning Herald, thông báo của ông Scott Morrison được đưa ra 1 tuần sau khi dự kiến tạm cấm tập đoàn nhà nước Trung Quốc Grid Corp và Công ty Cheung Kong  Infrastructure có trụ sở tại Đặc khu hành chính Hồng Công tham gia đấu thầu để thuê 50,4% mạng lưới điện Ausgrid trong vòng 99 năm.

Trước đó, Tân Hoa Xã đả kích việc Australia không cho các tập đoàn Trung Quốc tham gia đấu thầu mạng lưới điện, cũng như quyết định của Anh cho ngưng dự án một nhà máy điện nguyên tử do Bắc Kinh đầu tư, cho rằng đây là hiện tượng căm ghét Trung Quốc. Đại sứ quán Trung Quốc lưu ý đây là lần thứ hai trong năm Canberra ngăn chặn các nhà thầu của nước này đầu tư vào Australia, xem đây là khuynh hướng bảo hộ, có thể tác động nghiêm trọng đến thiện chí của các công ty Trung Quốc muốn đến Australia làm ăn và đầu tư.

Việc tư nhân hóa mạng lưới điện Ausgrid sẽ giúp bang New South Wales của Australia thu được khoảng 7,6 tỷ USD. Thống đốc bang New South Wales Mike Baird than phiền quyết định của Bộ trưởng Scott Morrison sẽ làm dự án bị chậm lại. Tuy nhiên, bà Pauline Hanson, lãnh tụ đảng One Nation đã lên tiếng hoan nghênh. Đầu tư của Trung Quốc bắt đầu gây nhiều tranh cãi tại Australia do Trung Quốc ngày càng hung hăng hơn tại biển Đông. Đảng One Nation và một số nghị sĩ khác phản đối việc mở rộng vòng tay với đối tác thương mại lớn nhất là Trung Quốc và muốn siết chặt các quy định về đầu tư nước ngoài.

Cuối tháng 3 vừa qua, Australia đã ra quy định mới về đầu tư nước ngoài đối với cơ sở hạ tầng sau khi xuất hiện nhiều chỉ trích vào dự án một công ty Trung Quốc khai thác cảng Darwin. Quy định mới yêu cầu mọi dự án cho thuê hoặc bán các cơ sở hạ tầng quan trọng gồm sân bay, cảng, các phương tiện giao thông công cộng, các cơ sở điện, khí đốt, thủy điện… cho các nhà đầu tư nước ngoài đều phải xin ý kiến Hội đồng thẩm định đầu tư nước ngoài (FIRB). Khi đó, Bộ trưởng Scott Morrison cũng nhấn mạnh: “Chúng tôi đón tiếp các đầu tư nước ngoài tới Australia nhưng nhất thiết, các cơ sở hạ tầng quan trọng nhất phải được xem xét vì lý do an ninh quốc gia”.

Sợ tiền Trung Quốc

Không chỉ có Australia mà một số nước châu Âu cũng đang lo ngại trước tham vọng ngày càng lớn của các nhà đầu tư Trung Quốc. Gần đây nhất, Anh đã tuyên bố cho ngưng dự án nhà máy điện hạt nhân tại Hinkley Point, miền Nam nước Anh, trong đó có vốn đầu tư của Trung Quốc. Châu Âu hiện trở thành miếng bánh hấp dẫn đối với Trung Quốc và chiếm đến 20% tổng đầu tư của Bắc Kinh ra nước ngoài.

Xu hướng này không khiến các chuyên gia ngạc nhiên và theo đánh giá của họ, sẽ còn tăng mạnh hơn nữa. Lý giải xu hướng đầu tư ồ ạt ra nước ngoài, chuyên gia Philippe Le Corre thuộc Viện Brookings tại Washington (Mỹ), giải thích: Trong vòng nhiều năm, Trung Quốc đã đạt được mức tăng trưởng với 2 con số và trở thành công xưởng của thế giới. Để đáp ứng được nhu cầu vật liệu, trong giai đoạn đầu, Bắc Kinh ưu tiên đầu tư vào các nước đang phát triển, chủ yếu là ở châu Phi. Bước tiếp theo bắt đầu khi Trung Quốc chuyển các nhà máy ra nước ngoài hay thuê lại các công ty nước ngoài gia công để tận dụng nguồn nhân công rẻ, đặc biệt tại khu vực Đông Nam Á. Và bước thứ ba đang được tiến hành là Bắc Kinh định hướng lại mô hình tăng trưởng, thiên về giá trị thặng dư và dịch vụ hơn.

Giới quan sát nhận định, các nước phương Tây phải quản lý được các dự án đầu tư ồ ạt ra nước ngoài của Trung Quốc. Dù những khoản đầu tư đó vẫn chưa phải rất lớn, nhưng tại Mỹ cũng như tại châu Âu, Trung Quốc đang ngày càng tăng cường hoạt động để chiếm được thị phần trong các lĩnh vực vật liệu, đất đai, các ngành công nghiệp và công nghệ.

ĐỖ CAO (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục