Diễn đàn Davos 2017 đề cao vai trò quản trị toàn cầu

Ngày 17-1, Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2017, còn gọi là Diễn đàn Davos, khai mạc tại Davos (Thụy Sĩ) với chủ đề “Lãnh đạo chủ động và có trách nhiệm”. Nhận lời mời của Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự hội nghị.
Diễn đàn Davos 2017 đề cao vai trò quản trị toàn cầu

Ngày 17-1, Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2017, còn gọi là Diễn đàn Davos, khai mạc tại Davos (Thụy Sĩ) với chủ đề “Lãnh đạo chủ động và có trách nhiệm”. Nhận lời mời của Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự hội nghị.

Hơn 300 phiên thảo luận

Là diễn đàn toàn cầu uy tín bàn luận về những vấn đề kinh tế - phát triển và thời sự thế giới, Diễn đàn Davos năm nay tập trung vào chủ đề “Lãnh đạo chủ động và có trách nhiệm” nhằm đề cao vai trò quản trị toàn cầu trong việc đối phó với những thách thức trong thời kỳ mới. Thực tế cho thấy trong vài năm trở lại đây, thế giới đã chứng kiến nhiều xu hướng tiêu cực như bất bình đẳng kinh tế, phân cực xã hội và những hiểm họa môi trường khó lường gây ảnh hưởng đến đời sống và kinh tế người dân, tác động tới sự gắn kết xã hội và uy tín của các nhà hoạch định chính sách.

Cảnh sát tuần tra tại khu vực diễn ra Diễn đàn Davos

Diễn ra trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức ngày càng đa dạng và phức tạp, Diễn đàn Davos tổ chức từ ngày 17 - 20-1 được coi là sự kiện quốc tế có ý nghĩa lớn góp phần đề ra những giải pháp bền vững giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Dự kiến, hội nghị sẽ có hơn 300 phiên thảo luận về các nhóm vấn đề nổi bật như: nâng cao quản trị toàn cầu; ứng phó với các bất ổn an ninh và khủng hoảng; thúc đẩy phát triển bao trùm và bền vững trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm; tái cơ cấu kinh tế và cải cách xã hội ở các quốc gia và khu vực...

Bên cạnh đó, hội nghị cũng thảo luận về việc triển khai các sáng kiến của WEF trong các lĩnh vực tiêu dùng, kinh tế và xã hội số, năng lượng tài nguyên - môi trường, hệ thống tài chính - tiền tệ, an ninh lương thực và nông nghiệp, y tế, đầu tư và thương mại quốc tế...

Diễn đàn cũng sẽ tập trung vào những vấn đề thời sự nóng trên toàn cầu như: vấn đề di cư, quan hệ Mỹ - Trung dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, cuộc trưng cầu ý dân tại Anh về việc ra đi hay ở lại Liên minh châu Âu (EU)…

Việt Nam tích cực tham gia

Diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đã phục hồi sau thời gian dài suy thoái nhưng tăng trưởng còn chậm và mong manh, Diễn đàn Davos 2017 thu hút sự tham gia của 2.500 người đến từ 90 quốc gia, trong đó có khoảng nhiều nhà lãnh đạo của các nước như Đức, Trung Quốc, Nhật Bản, cùng đại diện nhóm chuyển giao quyền lực của chính quyền Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump; các tổ chức quốc tế như Liên hiệp quốc, Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF); các tập đoàn, doanh nghiệp, học giả hàng đầu.

Diễn đàn Davos năm nay được kỳ vọng sẽ là nơi để các nhà lãnh đạo trên thế giới phối hợp tìm ra các hình thức quản lý quốc gia, quản trị khu vực và quản trị toàn cầu linh hoạt hơn, nhanh chóng thích ứng với mọi thay đổi và ứng phó được với những thách thức toàn cầu.

Việt Nam và WEF thiết lập quan hệ năm 1989. Lãnh đạo cấp cao của Việt Nam thường xuyên tham dự các hội nghị thường niên của WEF tại Davos và hội nghị của WEF về Đông Á.

Năm 2010, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị WEF Đông Á lần thứ 19 tại TPHCM với chủ đề “Vai trò đang lên của châu Á trong phát triển toàn cầu”.

Mới đây nhất, tháng 10-2016, Việt Nam đã phối hợp với WEF tổ chức Hội nghị WEF-Mekong tại Hà Nội, thu hút gần 200 đại biểu tham gia, nhằm quảng bá tiểu vùng Mê Công đến cộng đồng các tập đoàn hàng đầu thế giới.

Việt Nam cũng là một trong những đối tác chủ chốt của WEF trong khuôn khổ sáng kiến “Tầm nhìn mới trong nông nghiệp” và duy trì hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực này.

THANH HẰNG (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục