Lỗi từ bên trong

Ứng cử viên Tổng thống Pháp, lãnh đạo đảng cực hữu Mặt trận dân tộc (FN) Marine Le Pen tuyên bố việc người dân Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, sẽ tạo ra hiệu ứng dây chuyền trong toàn liên minh này. Theo bà, 2017 sẽ là năm người dân châu Âu thức tỉnh.

Ứng cử viên Tổng thống Pháp, lãnh đạo đảng cực hữu Mặt trận dân tộc (FN) Marine Le Pen tuyên bố việc người dân Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, sẽ tạo ra hiệu ứng dây chuyền trong toàn liên minh này. Theo bà, 2017 sẽ là năm người dân châu Âu thức tỉnh.

Nữ chính khách Pháp cho rằng một loạt các cuộc bầu cử trong năm 2017 sẽ đem lại một làn gió thay đổi trên khắp khu vực. Sau sự kiện Brexit và việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, bà nhận định cử tri tại Pháp, Đức và Hà Lan sẽ là những người tiếp theo theo đuổi một sự thay đổi trong châu lục. Với chủ trương chống EU và nhập cư, bà Le Pen từng cũng khẳng định châu Âu là một nội dung quan trọng trong chương trình tranh cử của mình với những chỉ trích nhằm vào EU và đồng Euro. Với quan điểm chống châu Âu và chống người di cư, bà Le Pen, 48 tuổi, là chính trị gia Pháp duy nhất ủng hộ ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua. Đảng FN của bà dựa vào chiến thắng của ông Trump và cuộc bỏ phiếu Anh rời EU với hy vọng sẽ tạo nên làn sóng chống chính phủ tương tự tại Pháp để chiến thắng trong cuộc bầu cử vào năm tới.

Đài RFI cho rằng, những chỉ trích nhằm vào EU được duy trì bởi khiếm khuyết của liên minh: nguyên tắc ủy quyền khiến tổ chức này trở nên phức tạp, mang tính pháp lý nhiều hơn và ngày càng xa rời quần chúng. Bối cảnh thế giới với các cuộc khủng hoảng kinh tế và những biến cố chính trị diễn ra nhanh chóng, không ngừng và kéo dài khiến công luận trở nên mệt mỏi và thất vọng với những giải pháp của nền dân chủ.

Thêm vào đó, tiến trình hội nhập của Liên minh châu Âu (EU) vấp phải trở ngại do ba trào lưu là chủ nghĩa dân túy, cực đoan và dân tộc. Ba trào lưu này đang hồi sinh và phát triển mạnh mẽ ở lục địa già, biểu hiện dưới những tranh cãi nội bộ trong các quốc gia, việc mất uy tín của các tầng lớp chính trị và những phê phán mạnh mẽ mang màu sắc bài châu Âu.

Kể từ thời kỳ đầu của cộng đồng châu Âu, đã có hơn 50 cuộc trưng cầu dân ý ở liên minh này. Trong bối cảnh sự hoài nghi châu Âu gia tăng, các đảng dân túy ở đây vẫn tiếp tục yêu cầu tổ chức trưng cầu dân ý, coi đó như vũ khí tối thượng chống lại sự hội nhập châu Âu. Cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh rời khỏi EU được tổ chức dưới sức ép của phe thiểu số trong đảng Bảo thủ kéo theo đó là hàng loạt lời kêu gọi tổ chức trưng cầu dân ý về quy chế thành viên EU ở những nước thành viên khác… là hồi chuông nhằm thức tỉnh giới chức EU.

Đã đến lúc, châu Âu cần đánh giá lại những tác động của chủ nghĩa cực đoan, chủ nghĩa dân tộc hay chủ nghĩa dân túy đối với các thể chế châu lục. Bởi lẽ, ngay trong Nghị viện châu Âu (EP), các đảng cực hữu hay dân túy đã giành thắng lợi trong nhiều nhiệm kỳ bầu cử là nhờ phương thức bầu cử. Hiện nay, các đảng này có khoảng 171/751 nghị sĩ trong các nhóm công khai tỏ thái độ hoài nghi châu Âu (chiếm 22,8% ghế trong EP). Theo các nhà quan sát, sự hiện diện của các nhóm trên không làm thay đổi các điều kiện làm việc của EU, các đảng cầm quyền cũng đã liên minh nhằm ngăn cản những lực lượng đó. Tuy nhiên, sự thiếu nội dung và hành động mang tính xây dựng khiến liên minh đang ngày càng chia rẽ và phân tán.

VIỆT LÊ

Tin cùng chuyên mục