Bán đảo Triều Tiên nóng vì tên lửa đạn đạo

Ngày 6-3, Triều Tiên đã phóng 4 tên lửa được xác định là tên lửa đạn đạo ra vùng biển phía Đông, trong một động thái được cho là nhằm trả đũa các cuộc tập trận chung giữa Hàn Quốc và Mỹ đang diễn ra. Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ cùng lên tiếng phản đối.

Ngày 6-3, Triều Tiên đã phóng 4 tên lửa được xác định là tên lửa đạn đạo ra vùng biển phía Đông, trong một động thái được cho là nhằm trả đũa các cuộc tập trận chung giữa Hàn Quốc và Mỹ đang diễn ra. Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ cùng lên tiếng phản đối.

Phản đối mạnh mẽ

Tin cho biết, các tên lửa được phóng đi từ khu vực Tongchang-ri, nơi Triều Tiên đặt một căn cứ tên lửa. Trong khi đó, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, có 3 quả tên lửa rơi xuống Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản.

Tên lửa đạn đạo chiến lược của Triều Tiên được phóng từ tàu ngầm tại một địa điểm bí mật. (Ảnh tư liệu do Hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên đăng tải)

Ngay sau đó, quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn, tại một cuộc họp khẩn của Ủy ban Thường trực Hội đồng An ninh quốc gia Hàn Quốc, nhấn mạnh, vụ phóng tên lửa của Triều Tiên “là một hành động khiêu khích nghiêm trọng” đối với cộng đồng quốc tế; ra lệnh quân đội Hàn Quốc duy trì cảnh giác ở mức cao nhất trong khuôn khổ mối quan hệ đồng minh Hàn - Mỹ để đối phó với các hành động khiêu khích từ Triều Tiên; kêu gọi nhanh chóng hoàn thành triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại Hàn Quốc.

Cùng ngày, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng phản đối mạnh mẽ vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, đồng thời cho biết Nhật Bản sẽ kêu gọi cộng đồng quốc tế gia tăng sức ép đối với Triều Tiên nhằm buộc nước này từ bỏ các chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân. Ông Abe cho rằng, việc Triều Tiên phóng 4 quả tên lửa về phía biển Nhật Bản, trong đó 3 quả rơi vào Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản là “hành động khiêu khích nghiêm trọng” đối với an ninh của Nhật Bản, đồng thời “cho thấy rõ mối đe dọa từ Triều Tiên đã tăng lên một mức mới”.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng ra tuyên bố lên án mạnh mẽ vụ phóng tên lửa của Triều Tiên và khẳng định Washington sẵn sàng sử dụng toàn bộ năng lực của mình để ứng phó.

Tăng thêm áp lực và trừng phạt

Theo Kyodo, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết, Nhật Bản đang vận động hành lang để Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (HĐBA LHQ) đưa ra một “thông điệp mạnh” và sẽ kêu gọi Trung Quốc cùng những nước liên quan thực thi đầy đủ các nghị quyết trước đó của HĐBA LHQ cấm Triều Tiên thử nghiệm công nghệ tên lửa đạn đạo và hạt nhân.

Quyền phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner cho biết, Mỹ kêu gọi tất cả các nước sử dụng mọi kênh liên lạc và mọi biện pháp tác động “để Triều Tiên thấy rõ rằng các hành động khiêu khích hơn nữa là không thể chấp nhận được và sẽ phải gánh chịu hậu quả”.

Trong một diễn biến liên quan cùng ngày, Cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Kim Kwan-jin và người đồng cấp của Mỹ M.R. McMaster đã có cuộc điện đàm về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Trong cuộc điện đàm kéo dài 15 phút, hai bên đã nhất trí mở rộng các mối quan hệ song phương để đưa ra những biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn với Triều Tiên.

Giới phân tích nhận định, các vụ phóng mới nhất của Triều Tiên có thể sẽ tác động tới chính sách của Mỹ đối phó với Triều Tiên mà Tổng thống Donald Trump đang cân nhắc. Theo truyền thông Mỹ, ông Trump đang xem xét một loạt lựa chọn, trong đó có cả tấn công phủ đầu và khả năng đối thoại trực tiếp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

VIỆT ANH (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục