Giấc mộng không thành

VIỆT LÊ

Tháng 3-2011 đi vào lịch sử Syria với các cuộc biểu tình chống chính phủ, từ đó châm ngòi cho biến động chính trị, an ninh và xã hội trong suốt 6 năm qua. Ảnh hưởng từ phong trào Mùa xuân Arab của cái gọi là dân chủ, giấc mộng của người Syria về sự đổi mới khi xuống đường biểu tình đã biến thành cơn ác mộng khi cảnh đổ nát, đói nghèo, chết chóc diễn ra triền miên. Hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn của họ là chính đáng nhưng họ đã bị lợi dụng và bị kích động, từ biểu tình hòa bình dẫn tới các cuộc đụng độ, bạo lực và xung đột, để rồi Syria trở thành chiến trường ác liệt ở Trung Đông.

Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá, cuộc nội chiến ở Syria đã tạo ra cuộc khủng hoảng nhân đạo tệ hại nhất kể từ sau Thế chiến II với hàng triệu người tị nạn. Theo thống kê mới nhất của LHQ, khoảng 400.000 người đã thiệt mạng, 13 triệu người phải sơ tán, mất nhà cửa và sống trong cảnh hoang tàn, đổ nát. Tổn thất của việc hủy hoại các di sản ở nước này ước tính lên tới hơn 200 tỷ USD. IMF dự đoán, Syria sẽ cần ít nhất 20 năm với mức tăng trưởng 3%/năm mới có thể trở lại mức thu nhập thấp họ từng có trước chiến tranh và điều này chỉ có thể diễn ra nếu chiến tranh chấm dứt.

Câu hỏi lớn nhất của người dân Syria và cũng là mối quan tâm của khu vực và cộng đồng quốc tế là bao giờ hết chiến tranh và tương lai sẽ ra sao? Tuy nhiên, những gì đang diễn ra lại quá phức tạp khi đan xen với cuộc chiến phân chia quyền lực giữa các phe phái là sự can thiệp từ bên ngoài và cuộc chiến chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Xung đột, bạo lực tại Syria xảy ra thường trực, dù lệnh ngừng bắn giữa các phe phái được ký kết từ cuối năm ngoái, nhưng các vi phạm vẫn xảy ra. Trong khi phe chính phủ và các phe đối lập ngồi vào bàn đàm phán thì tại Damascus các vụ đánh bom khủng bố đẫm máu vẫn xảy ra khiến hàng trăm người chết và bị thương.

Dư luận khu vực cho rằng, vấn đề Syria tiến triển ra sao cần xem quan điểm của chính quyền mới của Mỹ. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn chưa thể hiện rõ quan điểm của mình trong cách giải quyết khủng hoảng ở Syria, ngoài tuyên bố ủng hộ cuộc chiến chống IS.

Cuộc chiến tại Syria khó có thể được giải quyết sớm khi lực lượng chính phủ và phe nổi dậy không thể đánh bại lẫn nhau. Sự mâu thuẫn quyền lợi của các bên can thiệp cũng làm vấn đề ngày càng khó gỡ, trong khi Mỹ tìm cách lật đổ chế độ thì Nga, Iran lại ủng hộ Tổng thống Assad.

Theo các chuyên gia nghiên cứu về Trung Đông, trong 6 năm qua, nếu như vào những thời điểm khó khăn nhất (năm 2012-2013), chính quyền của Tổng thống Assad vẫn trụ vững thì thời điểm hiện tại càng khó gạt ông ra khỏi bàn cờ chính trị. Bởi ông Assad đang giành quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ, cũng như chiếm ưu thế quân sự trên thực địa.

Trong cuộc trả lời báo chí phương Tây mới đây về một nền hòa bình cần có các bước chuyển tiếp chính trị với sự ra đi của mình, Tổng thống Assad nêu rõ: “Người dân Syria có quyền lựa chọn người đứng đầu của họ, đồng thời là người chịu trách nhiệm cho bất kỳ cuộc xung đột hay các vấn đề. Việc ở hay đi, tôi chỉ nghe người dân Syria và không quan tâm tới bất kỳ ai khác ngoài Syria” .


VIỆT LÊ

Tin cùng chuyên mục