Thêm phương án mới về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình hợp lý

Trong khuôn khổ phiên họp thứ 26, chiều 10-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau trong dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Cơ quan soạn thảo, thẩm tra thống nhất trình thêm một phương án mới.

Xử lý theo thủ tục tố tụng dân sự tại tòa án

Trình bày báo cáo trước UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (UBTP) Lê Thị Nga cho biết, liên quan đến nội dung về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc (Điều 57), các cơ quan soạn thảo, thẩm tra đã thống nhất bổ sung thêm một phương án so với dự thảo đã trình để xin ý kiến UBTVQH, Bộ Chính trị và báo cáo Quốc hội.

Đó là phương án xác lập quyền sở hữu của Nhà nước đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc theo thủ tục giải quyết vụ việc, vụ án dân sự tại tòa án.

Như vậy, hiện có 3 phương án được đề xuất về xử lý tài sản, thu nhập không giải trình được hợp lý về nguồn gốc (Điều 57).

Phương án 1 là thu thuế thu nhập cá nhân; đồng thời, sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân để bổ sung loại thu nhập này là thu nhập chịu thuế.

Phương án 2 là xử phạt hành chính đối với hành vi kê khai không trung thực, không minh bạch trong giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập.

Phương án 3 là xác lập quyền sở hữu của Nhà nước đối với tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc theo thủ tục tố tụng dân sự tại tòa án.

Thêm phương án mới về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình hợp lý ảnh 1 Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga. Ảnh: quochoi.vn
Theo Thường trực UBTP, phương án mới (phương án 3) có ưu điểm là vừa thể hiện được thái độ mạnh mẽ của Nhà nước đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc; giải quyết được những vướng mắc trong kiểm soát tài sản, thu nhập của Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành; vừa góp phần khuyến khích sự minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng.

Đồng thời phương án này cũng bảo đảm được tính khách quan, minh bạch và bảo đảm quyền lợi của các bên, vì việc phán quyết tính hợp lý của việc giải trình và xác lập sở hữu đối với tài sản, thu nhập tăng thêm phải do tòa án quyết định thông qua thủ tục tố tụng dân sự, có tranh tụng, đối đáp công khai, có sự tham gia của Luật sư, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên, bảo đảm tính dân chủ, thận trọng, khách quan.

Đây cũng là hình thức xử lý mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng (theo thống kê của Ngân hàng Thế giới thì đến năm 2011 có khoảng 25 quốc gia quy định về thu hồi tài sản không dựa trên kết án hình sự).

Một ưu điểm nữa của phương án này là không phải sửa đổi pháp luật về dân sự và pháp luật về tố tụng dân sự.

Qua cân nhắc kỹ ưu điểm, nhược điểm của từng phương án, UBTP và Cơ quan trình dự án thấy rằng phương án 2 (xử phạt hành chính) có nhiều yếu tố bất hợp lý nên đề nghị không lựa chọn.

Đối với phương án 1 và phương án 3, cơ quan soạn thảo, thẩm tra thống nhất đề nghị lựa chọn phương án 3.

Tiến bộ, nhưng ít tính khả thi

Cơ bản ủng hộ phương án mới, song Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, dự thảo Luật cần thể hiện rõ ý chỉ sau khi toà án xem xét, đưa ra phán quyết thì mới xác lập quyền sở hữu Nhà nước đối với tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc.

Tuy nhiên, các ý kiến tại phiên họp vẫn còn rất khác nhau. Đánh giá cao nỗ lực tìm tòi cái mới của các cơ quan soạn thảo, thẩm tra, song Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói rõ, ông không đồng tình với cả 3 phương án.  

“Nếu chứng minh được tài sản là do tham nhũng thì thu 100%, còn kê khai không đúng thì đánh thuế theo biểu thuế thu nhập cá nhân, cộng với xử lý hành chính đối với cán bộ: cảnh cáo, cách chức, rút tên khỏi danh sách bầu cử. Thêm vào đó, từ nay trở đi tất cả công dân phải đăng ký, chứng minh quyền tài sản của mình, để dù có tiền, đối tượng tham nhũng có muốn cũng không tiêu được”, ông Phùng Quốc Hiển phát biểu.

Vẫn theo ông Phùng Quốc Hiển, nếu không khéo thì “người đi giám sát tài sản lại có quyền vô hạn”. “Thế nào là hợp lý? Luật phải chặt chẽ, đừng để co giãn khó phân định”.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải thì bày tỏ băn khoăn: “Phương án 3 thì rất văn minh, nhưng khó khả thi. Thực tiễn triển khai Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước đã rất là khó khăn. Nếu 5 năm nữa quy định này mới có hiệu lực và ngay từ bây giờ quy định mọi khoản thu chi phải qua tài khoản thì mới có thể làm được”.

Do đó, bà Nguyễn Thanh Hải ủng hộ quan điểm của Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển.

Trong khi đó, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học lại có quan điểm khác. Ông Học đề nghị áp dụng phương án 2 với lập luận: “Phương án 3 là tiến bộ, nhưng cơ quan quản lý, kiểm soát tài sản, thu nhập của ta ít tính độc lập, nang lực lại có hạn; liệu có “dám” yêu cầu đưa vụ việc về tài sản của các đồng chí lãnh đạo ra toà không? Tôi sợ sẽ chẳng có vụ nào được đưa ra toà. Ban Nội chính cũng không ủng hộ phương án đánh thuế (phương án 1), vì thế thì lại là thừa nhận tài sản không giải trình được là hợp pháp. Hệ quả về kinh tế của phương án 2 cũng như phương án 1, nhưng phương án 2 thể hiện được tính nghiêm minh của luật pháp đối với những cán bộ Nhà nước thiếu trung thực trong kê khai tài sản”…

Trước nhiều loại ý kiến khác nhau, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cơ quan soạn thảo, thẩm tra hoàn thiện thêm về kỹ thuật lập pháp, trình ra 2 phương án.

Phương án thứ nhất là xử lý vụ việc tại toà dân sự, nhưng cân nhắc quy định trình tự, thủ tục để đảm bảo nhanh, gọn. Phương án thứ hai chính là phương án 1 mà Chính phủ đã trình ra từ đầu (thu thuế thu nhập cá nhân; đồng thời, sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân để bổ sung loại thu nhập này là thu nhập chịu thuế).

“Nhưng bất kể phương án nào, nguyên tắc là mọi tài sản do tham nhũng mà có hoặc có nguồn gốc tham nhũng là phải tịch thu 100%. Luật phải đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tham nhũng, nhưng phù hợp với tình hình kinh tế xã hội của nước ta”, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu kết luận. 

Tin cùng chuyên mục