Theo đuôi thị trường

Trong bối cảnh đầu ra nông sản luôn bấp bênh, người dân rất quan tâm đến khâu tiêu thụ, kênh phân phối hàng hóa. 
Câu chuyện “giải cứu đầu ra cho thịt heo” đã làm nóng phiên chất vấn các bộ trưởng liên quan tại Quốc hội. Tất nhiên, rất nhiều lý do được đưa ra. Có đại biểu Quốc hội ví von: Giải cứu đầu ra cho nông sản như một bài ca không cấp giấy phép nhưng là điệp khúc lặp lại mãi.

Chuyện quy hoạch phải gắn với thị trường là lẽ đương nhiên. Chuyện nuôi heo đạt “siêu lợi nhuận” trong thời gian qua là thật. Không có gì khó hiểu kéo theo mọi người đổ xô vào nuôi. Thế nhưng khi đặt lại vấn đề: Điều mà người sản xuất quan tâm chính là công tác dự báo, những cảnh báo kịp thời về nguy cơ khủng hoảng thừa, các giải pháp can thiệp, phản ứng của ngành chức năng về những nguy cơ này đã tròn trách nhiệm chưa, thì câu trả lời đã bị bỏ lửng! Câu chuyện giải cứu đầu ra cho nông sản gần như không phải là chuyện mới. Bởi cách đây hơn 10 năm, Chính phủ cũng phải tìm đầu ra cho hàng trăm ngàn tấn cá tra ứ đọng ở ĐBSCL. 
Nhìn lại sản xuất nông nghiệp Việt Nam, thực tế quy hoạch chưa đi trước sản xuất. Cách đây gần 20 năm, người dân ĐBSCL đã khát khao cháy bỏng làm giàu từ con tôm. Chính họ phá đập thủy lợi ở bán đảo Cà Mau đưa nước mặn vào nuôi tôm. Rồi sau đó, quy hoạch mới ra đời. Nếu nói sản xuất phải theo quy hoạch, thì cá tra xuất khẩu đã gần 20 năm, thế nhưng đến nay một số tỉnh ở ĐBSCL vẫn chưa thông qua quy hoạch cá tra!?

Quy hoạch sản xuất là cần thiết. Nhưng những người thực thi một cách có trách nhiệm để quản lý và điều tiết quy hoạch còn quan trọng hơn. Thị trường luôn biến động, điểm mấu chốt là những dự báo kịp thời. Ngay như Hậu Giang khi cam xoàn, cam sành bán được giá, tỉnh này đã nhanh chóng đối thoại trực tiếp với nông dân vùng nguyên liệu đưa ra cảnh báo về nguy cơ khủng hoảng thừa nếu nông dân gia tăng diện tích. Ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương cũng khuyến cáo liên tục. Thế nhưng nông dân vẫn gia tăng diện tích. Mới đây là mãng cầu xiêm, tại Phụng Hiệp chỉ tròn trèm mới trồng 100ha, nông dân trúng giá trúng mùa đậm, chỉ sau 1 năm đã tăng lên 400ha. Tỉnh Hậu Giang phải một lần nữa phát đi cảnh báo khủng hoảng thừa để nông dân điều chỉnh sản xuất hợp lý.
Câu chuyện quy hoạch phải gắn với thị trường như bài học vỡ lòng nhưng học mãi không thuộc, đành buông xuôi theo sự đỏng đảnh của kinh tế thị trường. Làm thế nào để giảm thiểu các rủi ro cho nông dân sản xuất và doanh nghiệp trong ngành. Vấn đề này thời gian qua gần như chưa có giải pháp hữu hiệu. Hiện nay cả nông dân trồng lúa, nuôi tôm, cá tra, trồng cây ăn trái… đều được vay vốn. Nhưng kiểm soát nguồn vốn vay này có đầu tư vào lĩnh vực sản xuất hay không thì khó trả lời. Thậm chí có người vay vốn nuôi cá tra nhưng khi đem về thì xây nhà… Đó chỉ là một ví dụ để thấy quản lý quy hoạch và thực tế sản xuất hiện nay có quá nhiều khoảng trống!

Câu chuyện cá tra phi - lê xuất khẩu gần 20 năm đến hơn 100 nước trên thế giới nhưng đến nay vẫn yếu về khâu giống không khỏi làm ngạc nhiên nhiều người. Thật chua xót khi nhìn nhận, khâu sản xuất giống hiện nay không có cơ quan nghiên cứu sâu, chủ yếu do tư nhân đảm trách. Có người đặt vấn đề, là quốc gia nông nghiệp nhưng sao để khâu sản xuất con giống yếu kém? Trong bối cảnh hiện nay cần phải có sự đầu tư, hợp tác nghiên cứu sâu hơn để cải thiện chất lượng con giống. 

Không ít hàng nông sản Việt Nam đang xuất khẩu theo đường tiểu ngạch vào thị trường Trung Quốc luôn ẩn chứa nhiều rủi ro. Theo TS Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Cá tra Việt Nam, Bộ Ngoại giao và Bộ Công thương cần nắm và cung cấp thông tin kịp thời về thị trường Trung Quốc, sớm đưa ra những cảnh báo cần thiết, để hạn chế rủi ro cho nông dân. Đây việc làm thiết thực để giảm bớt những thiệt hại cho nông dân giữa quy hoạch và thực tiễn sản xuất hiện nay, tránh tình trạng sản xuất hàng hóa cứ mãi chạy theo đuôi thị trường.                                    

Tin cùng chuyên mục