Theo xuân lên biên giới

Giáp Tết Kỷ Hợi, khi ngọn gió heo may hiếm hoi tràn vào thành phố, chúng tôi hành quân trở lại chiến trường xưa. Khác các dịp tết cổ truyền trước, lần này chúng tôi lên biên giới không chỉ thắp hương tưởng nhớ đồng đội đã nằm xuống, trao quà tết tặng bà con vùng biên mà còn thực hiện một công việc tình nghĩa: bàn giao nhà đồng đội cho một cựu chiến binh (CCB) của Trung đoàn.

1.Xuất phát từ TPHCM lúc bình minh, đến khi mặt trời đứng bóng, chúng tôi mới đến huyện biên giới Vĩnh Hưng, tỉnh Long An. Các CCB và đại diện chính quyền đã chờ chúng tôi từ lâu. Chủ nhà - CCB Nguyễn Hữu Tỉnh, quân phục lấp lánh huân, huy chương ra tận xe đón khách. Khuôn mặt người lính Trung đoàn năm xưa hốc hác, nhưng ánh mắt và nụ cười vẫn thế.

Nhập ngũ từ những năm cuộc kháng chiến chống Mỹ diễn ra quyết liệt, đầu xuân 1967, ông Tỉnh cùng Trung đoàn 174 (đoàn Cao Bắc Lạng) hành quân vượt Trường Sơn vào Nam bộ đánh giặc. Cuối năm đó, đến Tây Nguyên, Trung đoàn được phiên chế vào Sư đoàn 1 đánh Đắk Tô - Tân Cảnh. Ông Tỉnh là dược tá của đơn vị. Cuộc chiến mở đầu chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 diễn ra khốc liệt. Đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhưng hàng trăm đồng đội của ông Tỉnh bị thương và hy sinh trên chiến trường Tây Nguyên.

Đợt 2 chiến dịch Mậu Thân, Trung đoàn Cao Bắc Lạng hành quân vào Miền Đông Nam bộ. Trong đội hình Sư đoàn 5, đơn vị của ông Tỉnh đã tham gia nhiều chiến dịch như Bà Rịa - Long Khánh; giải phóng Lộc Ninh ... Tháng 6-1972, Trung đoàn hành quân về đánh chi khu Long Khốt. Từ năm 1972 đến 1974, đơn vị của ông Tỉnh đã “quần nhau với giặc” không biết bao nhiêu lần.

Đến tháng 4-1974 mới giải phóng được chi khu Long Khốt. Chiếm được cứ điểm không lớn, nhưng có vị trí chiến lược đặc biệt, án ngữ yết hầu xuống đồng bằng Cửu Long này, hàng ngàn đồng đội của ông Tỉnh đã nằm lại. Là chiến sĩ quân y, ông Tỉnh đã bám sát đơn vị, góp phần kịp thời cứu chữa thương binh, chia lửa cùng đồng đội.

Kết thúc chiến tranh (30-4-1975), cũng như nhiều đồng đội khác, ông Tỉnh rời quân ngũ trở về địa phương. Ông tham gia hợp tác xã nông nghiệp và lập gia đình. Khi có chính sách kinh tế mới, ông tình nguyện đưa vợ con vào xây dựng kinh tế tại Vĩnh Hưng - nơi chiến trường xưa giữa Đồng Tháp Mười.

Mấy chục năm chiến đấu và xây dựng trên quê hương mới, đến tuổi thất tuần, ông Tỉnh vẫn chưa có nơi ở ổn định. Chia sẻ khó khăn của ông, Ban Liên lạc CCB Trung đoàn 174 tại TPHCM, với sự kết nối của Trung tướng Lưu Phước Lượng, nguyên Chính ủy Quân khu 9 và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), xây dựng tặng gia đình ông Tỉnh căn nhà tình nghĩa đồng đội.

Ông Nguyễn Văn Nhẫn, Phó giám đốc chi nhánh 7 Agribank, từ TPHCM và đại diện các đơn vị tài trợ đã cùng chúng tôi đến Vĩnh Hưng bàn giao căn nhà nghĩa tình này.  Cầm tờ quyết định trao nhà, ông Tỉnh xúc động, nói: “Món quà đầu xuân này sẽ đổi đời gia đình chúng tôi. Trân trọng cám ơn tất cả mọi người”...

Theo xuân lên biên giới ảnh 1 Trong căn nhà nghĩa tình đồng đội tặng CCB Nguyễn Hữu Tỉnh
ở thị trấn Vĩnh Hưng
Chia tay gia đình CCB Nguyễn Hữu Tỉnh, chúng tôi cùng lãnh đạo huyện Vĩnh Hưng đến thắp hương viếng đồng đội tại đền thờ liệt sĩ Long Khốt. Tại đây, chúng tôi trao tặng báo Xuân Kỷ Hợi, sữa, quà tết cho bà con và bộ đội biên phòng tỉnh Long An.

Tiễn chúng tôi, đại diện lãnh đạo UBND huyện Vĩnh Hưng nghẹn ngào nói: “Các anh thực sự đã mang mùa xuân lên biên giới. Những người lính Cụ Hồ đã không tiếc máu xương chiến đấu, hy sinh giải phóng quê hương chúng tôi năm xưa, nay lại hết lòng chia sẻ cùng bà con trên chiến khu Đồng Tháp Mười một thời oanh liệt này”.

Chúng tôi lại nghĩ khác: Chính hương hồn đồng đội và tình nghĩa của bà con vùng biên giới này đã thúc giục chúng tôi theo mùa xuân lên biên giới tri ân đồng đội và chia sẻ với bà con vùng căn cứ kháng chiến nổi tiếng qua mấy mùa kháng chiến.

2.Tạm biệt huyện biên giới Vĩnh Hưng, chúng tôi theo quốc lộ vành đai đến thăm thương binh hạng nặng Đoàn Minh Tuấn tại xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Giáp tết, dọc tỉnh lộ số 9 ngập tràn sắc vàng. Màu vàng của nắng, của hoa và hàng hóa tết. Khác buổi sáng Đồng Tháp Mười với ngọn gió heo may dịu ngọt, nắng ở đây như thiêu, như đốt. 

Do được báo trước, Đoàn Minh Tuấn trang phục chỉnh tề cùng gia đình đón chúng tôi. Căn nhà nghĩa tình do cơ quan đại diện báo Quân đội Nhân dân tại TPHCM và Công ty cổ phần Giày may quân đội 32 tặng cách đây hơn 20 năm vẫn còn khá vững chắc.

Cuối năm 1970, khi hành quân vượt Trường Sơn vào Nam bộ, tôi và Đoàn Minh Tuấn cùng ở chung Tiểu đoàn 31 (công trường 5) huấn luyện chiến sĩ vừa bổ sung vào chiến trường. Hai mươi tuổi, dáng cao, da trắng, môi son, Đoàn Minh Tuấn đẹp trai, nhanh nhẹn được chỉ huy tiểu đoàn chọn làm chiến sĩ liên lạc. Khi đơn vị chuyển xuống đồng bằng sông Cửu Long, tôi được điều xuống Tiểu đoàn 6 Trung đoàn 174 trực tiếp chiến đấu thì ít lâu sau Tuấn cũng được bổ sung về trung đoàn.

Qua bao chiến dịch, bị thương, sốt rét rừng và chất độc hóa học, sau chiến tranh Đoàn Minh Tuấn phải đi bệnh viện nhiều lần. Bệnh của anh thập tử nhất sinh. Mấy lần, tôi và đồng đội đã tính “lo hậu sự” cho anh. Nhưng thương binh Đoàn Minh Tuấn, với sự yêu thương đùm bọc của gia đình, trực tiếp là người vợ thủy chung, tần tảo và đồng đội, đã vượt lên sức mình, bước qua cái chết.

Là CCB - đảng viên - thương binh nặng, Đoàn Minh Tuấn luôn giữ vững phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, gắn bó với bà con nơi sinh sống và đặc biệt không khoan nhượng với tiêu cực, tha hóa của một bộ phận cán bộ có chức có quyền ở địa phương.Tôi nhớ cách đây hơn 10 năm, Đoàn Minh Tuấn đấu tranh với nhóm lợi ích ở địa phương, có lúc người xấu đã thêu dệt, đòi khai trừ anh ra khỏi Đảng.

Không khuất phục, nản chí, dù sức khỏe yếu, Đoàn Minh Tuấn vẫn “chống gậy” lên huyện, lên tỉnh yêu cầu can thiệp làm rõ trắng đen. Và sự thật phải trả về sự thật. Các đoàn kiểm tra, thanh tra vào cuộc, lẽ phải đã thuộc về CCB Đoàn Minh Tuấn. Một số cán bộ tha hóa, biến chất đã phải nhận hình thức kỷ luật.

Bây giờ đến tuổi 70, Đoàn Minh Tuấn vừa chữa bệnh vừa vui thú điền viên với gia đình. Con trai đầu của anh chị - cháu Đoàn Minh Sơn, nay đã là Trung tá công an - một “con nhà nòi” đầy triển vọng. Đoàn Minh Tuấn rời quân ngũ đã mấy chục năm, nhưng tác phong, nếp sống của người lính chiến nơi anh vẫn còn nguyên vẹn. Trong khu vườn nhỏ của gia đình, Đoàn Minh Tuấn dựng lán lợp kiểu lá trung quân trong rừng, với đầy đủ trang bị của người lính vượt Trường Sơn. Lúc thảnh thơi, anh ngả lưng trên cánh võng một thời kháng chiến và kể cho con cháu nghe những kỷ niệm về một thời đẹp nhất.

Sức khỏe Đoàn Minh Tuấn không ổn định, phải đi bệnh viện liên tục, đôi mắt trũng sâu, có lúc nói không ra tiếng. Nhưng anh vẫn say sưa kể cho chúng tôi nghe kỷ niệm về những cái tết trong chiến tranh và nghĩa tình đồng đội mà không bao giờ anh có thể quên được. Nghe câu chuyện nghĩa tình đồng đội của Đoàn Minh Tuấn, chúng tôi như thấy trên đời này bao gian nan, vất vả chẳng sá gì. Chỉ có tình đồng đội mãi còn. Mai vàng rực rỡ. Xuân đang về trên chiến trường xưa chan hòa ánh nắng, gió và sắc vàng.

Tin cùng chuyên mục