Thể thao và kinh phí

Kỳ thủ Lê Quang Liêm từng sang Đức, Trung Quốc thi đấu thuê và nay sang Mỹ học nhờ những thành tích của mình trên trường quốc tế. Tay vợt cầu lông hạng 7 thế giới Nguyễn Tiến Minh du đấu mỗi năm cũng kiếm được vài chục ngàn USD, và qua đó còn được mời để đánh thuê. Trường hợp Lê Công Vinh trong bóng đá cũng vậy, chuyến đi Nhật vào tháng 8 này đã là lần thứ 2 anh ra nước ngoài thi đấu.

Những VĐV trên được trọng vọng, có thu nhập cao là do tài năng cùng rất nhiều thời gian, mồ hôi và công sức đã bỏ ra. Nói như vậy không có nghĩa phải đợi đến khi tỏa sáng ở đẳng cấp cao nhất của quốc tế thì mới có được, đúng hơn, đấy chỉ là một phần tất yếu của con đường thể thao chuyên nghiệp mà thế giới đang vận hành. Thế nhưng, trong xu hướng toàn cầu hóa ấy, thể thao Việt Nam vẫn giữ thói quen đứng yên, thậm chí còn bước lùi trong sự vận động ấy.

Mỗi năm trên thế giới có hàng ngàn giải đấu chuyên nghiệp lớn, nhỏ và ở đa số các môn thể thao phổ biến, tạo cơ hội cho mọi VĐV được tham gia, nếu có đủ khả năng cũng như quyết tâm theo đuổi nghề nghiệp. Các VĐV bỏ tiền túi để tham dự, nếu thắng giải thì có tiền thưởng, nếu không thì tích lũy kinh nghiệm và điểm số để tham gia các giải khác.

Thế nhưng, cho đến thời điểm này, cũng chỉ có vài gương mặt VĐV Việt Nam thực sự thi đấu chuyên nghiệp trên trường quốc tế cho dù chủ trương xã hội hóa thể thao đã có hơn 2 thập niên qua.

Ở môn điền kinh, mới đây chúng ta bị phạt vì không cử VĐV dự giải quốc tế do sợ tốn kém trong khi lẽ ra các VĐV hàng đầu của chúng ta hoàn toàn có thể tự bỏ tiền túi để tham gia nếu như họ biết cách tích lũy từ các giải đấu chuyên nghiệp có tiền thưởng khác. Đằng này, vì vẫn theo thói quen là muốn thi đấu quốc tế phải dùng tiền từ ngân sách nên không có tiền thì không dự nên họ vừa mất cơ hội thi đấu, vừa bị giảm uy tín. Riêng trong môn điền kinh, mỗi năm Việt Nam chỉ xuất ngoại 1 - 2 lần, phần lớn chỉ là tập huấn hoặc “tập chay” trong nước.

Một ví dụ khác, thể thao đỉnh cao của Việt Nam vẫn đang dồn sự đầu tư và đặt mục tiêu trọng tâm cho SEA Games, mặc dù ở sân chơi này, hiện có nhiều môn chúng ta đã vượt quá xa về đẳng cấp, không nhất thiết phải dồn kinh phí để dự. Cái thói quen dùng tiền ngân sách để đạt mục đích toàn đoàn khiến việc đầu tư vẫn theo hướng dàn trải, VĐV sẽ tiếp tục ngồi đợi tiền từ ngân sách thay vì chủ động tự kiếm sống theo đúng tinh thần chuyên nghiệp.

Đối với thể thao thế giới, các sự kiện mang tính toàn cầu như Olympic hay các sự kiện khu vực như Đại hội thể thao châu Á, Đông Nam Á thường là bước đệm cho sự nghiệp hoặc là đỉnh cao về danh vọng chứ không phải là mục tiêu cao nhất trong sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp. Chính các giải đấu nhà nghề hàng năm mới là động lực, là môi trường để rèn luyện và là nguồn thu nhập chính của các VĐV.

Thể thao Việt Nam đã có những VĐV như Lê Quang Liêm, Tiến Minh, Hoàng Thiên, Công Vinh… mở đường, sao phần còn lại không mạnh dạn nối gót?


VIỆT QUANG

Tin cùng chuyên mục