Tập trung nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội

Trong những năm qua, tín dụng chính sách xã hội do Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) thực hiện được đánh giá là một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, góp phần quan trọng thực hiện các chủ trương, chính sách mà Đảng và Nhà nước ta đã đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội... Sau 12 năm hoạt động, đến nay dư nợ tín dụng của Ngân hàng CSXH đã tăng 18 lần, đạt 126.523 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 29,4%; với gần 7 triệu hộ còn dư nợ, tăng hơn 5 triệu khách hàng so với thời điểm thành lập. Dư nợ bình quân một khách hàng tăng từ 2,5 triệu đồng lên hơn 18 triệu đồng.

Con số thì ngắn gọn, nhưng đó là cả một cuộc cách mạng về mặt an sinh xã hội, giúp các hộ nghèo và đối tượng chính sách vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Thống kê cho thấy, chỉ sau 11 năm, đã có trên 24,8 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn tín dụng chính sách. Góp phần giúp trên 3,2 triệu hộ nghèo vượt qua ngưỡng nghèo (tính đến hết năm 2013).

Tuy nhiên, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội chưa thực sự ổn định, cơ cấu chưa hợp lý, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế; chất lượng tín dụng chưa đồng đều. Một vấn đề đáng lo ngại khác là một số cấp ủy Đảng, chính quyền chưa thực sự vào cuộc, chưa quan tâm đúng mức tới hoạt động tín dụng chính sách xã hội... Chính vì thế, ngày 22-11 vừa qua, Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Để phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội, Ban Bí thư yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội.

Các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cần xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trong chương trình và kế hoạch, hoạt động thường xuyên của các cấp ủy, các ngành, địa phương và đơn vị; tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững...

Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Cụ thể, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội phát huy vai trò tập hợp lực lượng, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác; nâng cao hiệu quả giám sát của toàn dân đối với công tác này.

Vấn đề đặt ra là phải tập trung nguồn lực và hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội. Các cơ quan, tổ chức từ trung ương đến địa phương, theo chức năng, nhiệm vụ của mình tập trung các nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước vào một đầu mối là Ngân hàng CSXH.

Chỉ thị của Ban Bí thư chỉ rõ: cần ưu tiên cân đối đủ nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện các chương trình, dự án tín dụng chính sách xã hội và bảo đảm hoạt động ổn định, bền vững của Ngân hàng CSXH. Muốn vậy, HĐND, UBND các cấp cần tiếp tục dành một phần nguồn vốn từ ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn cho vay các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn.

Đáng lưu ý là với các tỉnh, thành phố ban hành chuẩn nghèo riêng cao hơn chuẩn nghèo quốc gia thì cần bố trí đủ nguồn lực để cho vay các đối tượng này. Ở cấp quốc gia, việc nghiên cứu, xem xét ban hành chuẩn nghèo mới theo phương pháp tiếp cận đa chiều nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản là rất cần thiết.

Chủ trương của Đảng là tập trung nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội. Điều này mới chỉ là “điều kiện cần” để khắc phục những vấn đề còn bất cập thời gian qua. Muốn nâng cao hơn nữa vai trò và hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội thì “điều kiện đủ” là chủ thể thực hiện - Ngân hàng CSXH cần chủ động thực hiện tốt việc huy động, quản lý và sử dụng vốn có hiệu quả.

Cụ thể như việc tiếp tục nâng cao hiệu quả phương thức ủy thác cho các tổ chức chính trị - xã hội; tăng cường hoạt động tại các điểm giao dịch cấp xã; nghiên cứu, phát triển các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ đem lại tiện ích cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

BẢO MINH

Tin cùng chuyên mục