Ngăn chặn dịch chồng dịch

Đánh giá mới nhất về tình hình dịch bệnh của Bộ Y tế cho biết, dù tới thời điểm hiện nay số người mắc dịch sởi có chiều hướng giảm nhưng mỗi ngày cả nước vẫn ghi nhận vài chục ca mắc và lác đác một số ca tử vong, nâng số người mắc sởi lên trên 4.300 trường hợp và xấp xỉ 140 ca tử vong. Tuy nhiên, đáng lo hơn cả trong khi dịch sởi vẫn chưa được khống chế thì dịch bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, thủy đậu lại bùng phát, thậm chí còn dữ dội hơn cả diễn biến của dịch sởi từ đầu năm tới nay.

Trên 18.000 người mắc tay chân miệng và khoảng 10.000 ca mắc sốt xuất huyết, cùng đó là không ít trường hợp tử vong là những số liệu báo động, rất đáng lo ngại đối với sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là trẻ nhỏ. Không chỉ có vậy, thống kê từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hàng trăm ca viêm não virus, hàng chục người chết do bệnh dại, rồi cúm A/H5N1, H1N1 cũng cướp đi sinh mạng của nhiều người. Trong khi tình hình dịch bệnh trong nước căng thẳng thì nhiều dịch bệnh, virus ngoại lai ở nước ngoài như H7N9, bại liệt hay MERS-CoV cũng đang rình rập, sẵn sàng xâm nhập vào nước ta.

Những diễn biến bất thường của nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong những tháng qua đã và đang ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng của người dân, nhất là trẻ nhỏ; đe dọa tới sự phát triển, ổn định của đời sống xã hội.

Trước mối hiểm nguy trên, Thủ tướng Chính phủ đã liên tục chỉ đạo với những biện pháp quyết liệt nhằm nhanh chóng dập dịch, không để dịch bệnh lan rộng trong cộng đồng. Thậm chí, trong thời điểm căng thẳng, nóng bỏng của dịch sởi, đích thân Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã “vi hành” kiểm tra thực tế và chỉ đạo kịp thời ngay tại ổ dịch sởi lớn nhất cả nước - Bệnh viện Nhi Trung ương.

Tại nhiều địa phương và các bệnh viện đang tập trung thực hiện các biện pháp phòng chống và dập dịch. Tuy nhiên, mới đây Bộ Y tế đã thẳng thắn chỉ rõ vẫn còn tình trạng lơ là, coi thường dịch bệnh tại một số địa phương, nhất là ở cấp huyện, cấp xã. Việc tham mưu của các sở y tế đối với chính quyền địa phương cũng chưa chủ động và quyết liệt. Về phía người dân, còn không ít người chủ quan trong việc phòng chống dịch bệnh như e ngại không đưa trẻ nhỏ đi tiêm chủng các loại vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.

Trước mối đe dọa của nhiều dịch bệnh, nhất là khi mùa hè và mùa mưa đã tới là thời điểm, điều kiện thuận lợi cho nhiều loại virus, vi khuẩn gây bệnh trên người bùng phát. Do vậy, cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc một cách đồng bộ và kiên quyết thực hiện việc khoanh vùng, dập dịch một cách hiệu quả. Công tác phòng chống dịch bệnh luôn đòi hỏi tính chủ động ở mức cao, không để xảy ra tình trạng dịch chồng dịch, làm xáo trộn đời sống xã hội, gây ảnh hưởng tới sức khỏe người dân.

Để thực hiện được mục tiêu khống chế dịch bệnh, ngành y tế phải đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về phòng chống dịch, đặc biệt là Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia để mọi trẻ nhỏ đều được tiêm vaccine đầy đủ. Cùng với đó, bản thân người dân phải nêu cao trách nhiệm của mình trong việc phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng, thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo về phòng chống dịch bệnh.

Về phía cơ quan y tế và chính quyền địa phương cũng phải quyết liệt hơn trong công tác phòng chống dịch và điều trị bệnh, xử lý những cá nhân, tổ chức coi thường sức khỏe người dân, bất chấp các quy định về phòng chống dịch bệnh.

MINH KHANG

Tin cùng chuyên mục