Thiên tai không chỉ “họa vô đơn chí”

Những năm gần đây, thiên tai ngày càng trở nên khốc liệt. Tại cuộc họp giao ban trực tuyến do Bộ NN-PTNT tổ chức sáng 20-8 tại Hà Nội, dưới sự chủ trì và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, các thành viên của Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương cũng đã khẳng định, sự gia tăng của các thảm họa thiên nhiên trong thời gian qua đã gây những hậu quả rất đau lòng về con người và tổn thất nặng nề về tài sản. Hình thái chủ yếu là lũ quét, sạt lở đất và các trận lũ lụt đã cướp đi rất nhiều sinh mạng của người dân.

Trong đó, Bộ NN-PTNT dẫn báo cáo tổng hợp cho biết, nếu thống kê từ năm 2000 đến năm 2014, nước ta đã xảy ra 250 đợt lũ quét, sạt lở ảnh hưởng tới các vùng dân cư, làm chết và mất tích 646 người, bị thương 351 người. Đồng thời hơn 9.700 căn nhà bị cuốn trôi cùng hơn 100.000 căn nhà bị ngập, hư hại nặng. Hơn 75.000ha lúa và hoa màu thiệt hại, hàng trăm hécta đất canh tác của bà con bị vùi lấp; nhiều công trình giao thông, thủy lợi, công trình dân sinh kinh tế bị hư hỏng. Tổng thiệt hại ước tính trên 3.300 tỷ đồng.

Trong đó, thiệt hại về tài sản và các công trình xây dựng đã đành, nhưng điều đáng nói là trận lũ nào - thậm chí chỉ qua một đợt mưa lớn thông thường, cũng xảy ra các thiệt hại về người. Chúng ta đã từng được thông tin về các đợt lũ ống, lũ quét ở khu vực miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ, có những sự cố làm chết 50 người ở Yên Bái, thậm chí 120 người chết và mất tích như ở Lào Cai... Mới đây, còn tang thương hơn khi có những trường hợp như ở Lai Châu, Hà Giang... cùng lúc nhiều thành viên trong một gia đình bị thiệt mạng do núi lở, để lại người sống cũng thành mồ côi đơn bóng, phải đối mặt với tương lai đầy khó khăn.

Vì vậy, việc Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương tổ chức một cuộc họp để triển khai chỉ đạo các vấn đề cấp bách về phòng và chống lũ quét, sạt lở núi... đã cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề này và việc cần phải bắt tay hành động với những giải pháp cụ thể.

Nhiều người vẫn nói, thiên tai là “họa vô đơn chí”, không lường trước được. Nhưng điều đáng nói ở đây là các thảm họa thiên nhiên không còn mới mẻ mà đã lặp đi lặp lại từ nhiều năm qua. Nói về nguyên nhân lũ lụt, sạt lở gia tăng... chúng ta có thể đổ lỗi cho xu thế chung là biến đổi khí hậu. Nhưng chúng ta không thể phủ nhận, bỏ qua những nguyên nhân chủ quan từ hệ lụy của con người tạo ra, tiêu biểu là tình trạng chặt phá, đua nhau đốt rừng làm rẫy. Trước đây, sạt lở chỉ xảy ra dọc các cung đường quốc lộ do phải phá đá mở đường. Nhưng bây giờ cả bản làng nằm sâu tít trong thung lũng cũng hứng lũ ống bởi nước từ thượng nguồn không có vật cản, rừng trơ trụi.

Trong khi đó, để sống chung với hệ lụy mất rừng, từ nhiều năm nay, chúng ta cũng đã triển khai một số giải pháp như quy hoạch vùng có nguy cơ lũ lụt, lũ quét và sạt lở đất đồng thời tổ chức di dân đến nơi an toàn. Tuy nhiên, qua khảo sát ở nhiều địa phương trong cả nước, tốc độ di dân vẫn còn rất chậm. Nhắc tới di dân, địa phương nào cũng than chưa bố trí được quỹ đất và ngân sách và tâm lý chung là chờ phân bổ từ Trung ương.

Cũng không thể không nhắc tới nhận thức của chính người dân. Có những trường hợp thương vong chỉ đơn giản là do người dân cố tình đi qua ngầm suối khi có mưa lớn, sau đó lũ ống bất ngờ dội về. Gần đây, công tác dự báo thiên tai đã chủ động và cải tiến hơn nhưng đáng buồn là thông tin vẫn chưa kịp thời đến được với người dân ở khu vực có nguy cơ thảm họa.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng thẳng thắn đánh giá, dù chúng ta đã nỗ lực nhưng công tác phòng chống lũ quét, sạt lở đất vẫn chưa đạt kết quả. Hiện nay chúng ta đã xác định được có 10.000 điểm có nguy cơ sạt lở và 2.100 điểm có nguy cơ rất cao. Một điều mà chúng ta không thể lạc quan là thiên tai sẽ ngày càng thảm khốc và khó lường hơn. Vậy thì ngay từ bây giờ, phải triển khai ngay các giải pháp tổng thể, từ ngăn chặn nạn phá rừng đầu nguồn, quy hoạch các công trình gây cản trở dòng chảy một cách khoa học cùng việc đầu tư nâng cao nhận thức cho người dân, tổ chức di dân đến nơi an toàn...

Phó Thủ tướng cũng khẳng định, không chỉ lũ quét, sạt lở mà nguy cơ động đất cũng nhiều hơn. Đành rằng, thiên tai là bất trắc, khó lường nhưng những thiệt hại, tai nạn thảm khốc xảy ra cũng do sự chủ quan của chính người dân và các cơ quan chức năng. Giờ đây, chúng ta đã có bản đồ sơ bộ về những khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, nếu chủ động phòng ngừa từ trước khi có sự cố, chắc chắn sẽ giảm thiểu được khá nhiều thương vong, thiệt hại từ thiên tai.

VĂN PHÚC 

Tin cùng chuyên mục