Bảo vệ người tố cáo tham nhũng

Mấy ngày qua, dư luận bàn thảo sôi nổi về dự thảo Thông tư liên tịch của Thanh tra Chính phủ và Bộ Nội vụ quy định khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo tham nhũng. Theo dự thảo này, trong các hình thức khen thưởng bằng hiện vật, nếu người tố cáo giúp thu hồi được cho nhà nước tiền, tài sản có giá trị trên 600 lần mức lương cơ sở thì có thể áp dụng mức động viên, khuyến khích bằng vật chất tối đa không vượt quá 10% giá trị tiền, tài sản đã thu hồi được, tối đa là 5 tỷ đồng. Bên cạnh việc trao thưởng công khai còn có hình thức trao thưởng bí mật nhằm bảo vệ người tố cáo…

Nhiều năm qua, TPHCM và nhiều địa phương rất chú ý đến khen thưởng với số tiền lớn đối với người có thành tích trong việc tố cáo, phát hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực. Việc biểu dương, khen thưởng kịp thời kèm theo tiền thưởng không chỉ ghi nhận công lao, khích lệ động viên tinh thần người dũng cảm tố cáo mà còn là hình thức công khai bảo vệ họ, thu hút nhiều người khác cùng đấu tranh, cùng tham gia bảo vệ lẽ phải, chính nghĩa, góp phần làm trong sạch bộ máy.

Tuy nhiên, so với thực tế, những phần thưởng về vật chất hầu như chỉ mang tính tượng trưng, chưa tương xứng với kết quả, công sức và cả tiền bạc mà người tố cáo bỏ ra. Đơn cử là việc trao tặng bằng khen, kèm theo phần thưởng 350.000 đồng - mức cao nhất, cho cá nhân tố cáo những sai phạm “nhân bản” kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức (Hà Nội).

Lãnh đạo đơn vị cấp trên biết tiền thưởng như thế là thấp, nhưng quy định nhà nước là vậy, nên không thể vượt quá mức cho phép. Trong khi đó, việc làm của họ rất đáng trân trọng, là tấm gương để nhiều người khác noi theo. Thấy được bất cập này, một vài địa phương, đơn vị vận dụng bằng hình thức mua tin về tham nhũng và xem đây là sự trả công, trả thưởng cho người cung cấp tin tố cáo. Dù chưa có quy định cụ thể nào về mua tin tham nhũng, nhưng sẽ rất bất công nếu như không trả công xứng đáng cho người tố cáo. Nay có quy định thưởng lớn cho người tố cáo, cao nhất là 5 tỷ đồng, nếu được thông qua sẽ tạo cú hích lớn trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Nhưng đằng sau niềm vinh dự ấy, cùng với số tiền thưởng có khi là rất lớn, thì trong sâu thẳm người tố cáo có bao điều trăn trở, lo lắng cho riêng mình. Họ dũng cảm phanh phui tham nhũng nhưng họ cũng muốn bản thân được bình an. Bởi trong thực tế, người tố cáo tham nhũng thường gặp rủi ro, bị trù dập, có khi bị tố cáo ngược là vu khống, nói xấu cán bộ, gây mất đoàn kết nội bộ (!?). Thông thường, người tố cáo luôn ở thế yếu hơn người bị tố cáo. Người có chức vụ quyền hạn nếu là đối tượng bị tố cáo sẽ sử dụng tối đa quyền lực của mình và khả năng kinh tế lo lót, chạy tội để trả thù, trù dập người tố cáo. Ngay cả khi người tố cáo công khai trước tập thể về hành vi tham nhũng, tiêu cực của cơ quan hay của người đứng đầu đơn vị thì cũng chưa chắc nhận được sự đồng tình, ủng hộ công khai của mọi người, kể cả cán bộ, đảng viên trong cơ quan chỉ vì “miếng cơm, manh áo” của mình.

Không ít trường hợp tố cáo đúng, được cấp trên khen thưởng, được chính thủ trưởng đơn vị-người bị tố cáo thừa nhận khuyết điểm của mình và hứa sửa chữa, nhưng sau đó người tố cáo lại được “trả công” bằng cách điều chuyển, luân chuyển đi chỗ khác. Thành ra mới có chuyện một số địa phương tổ chức khá hoành tráng lễ biểu dương, khen thưởng công lao người tố cáo tham nhũng, nhưng nhiều người xin phép vắng mặt chỉ vì sợ bị trả thù hay trù dập. Chính vì thế, trừ những người tố cáo muốn công khai danh tính, thì trong nhiều trường hợp cần thiết phải áp dụng “quy định về bảo vệ bí mật nhà nước” để bảo vệ người tố cáo, bởi ít ai mạo hiểm, tự đặt cược với chính số phận của mình để đánh đổi cả thanh danh, sự nghiệp, thậm chí cả gia đình để nhận số tiền thưởng lớn dành cho người tố cáo đúng.

TUẤN SƠN

Tin cùng chuyên mục