Chủ quan gây thiệt hại hơn bão

Nhiều năm về trước, mỗi khi có bão đổ bộ thường gây ra nhiều thiệt hại trên biển, đặc biệt bão đã cướp đi nhiều tính mạng của ngư dân, để lại những nỗi xót xa mất mát cho thân nhân của họ. Thế nhưng gần đây, một nghịch lý xảy ra, đó là số nạn nhân thiệt mạng trong và do các cơn bão chỉ còn chiếm số ít, trong khi đó, số nạn nhân bị thiệt mạng sau khi bão đã đi qua lại chiếm số nhiều.

Thực trạng nêu trên đã được Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão (PCLB) Trung ương nhiều lần đặt ra trong các cuộc họp khẩn về chỉ đạo giải pháp ứng phó mưa lũ, bão lớn đổ bộ thời gian gần đây. Mới đây, Bộ NN-PTNT cũng đã tổ chức một cuộc họp riêng về chuyên đề nỗi lo lũ quét và sạt lở núi do mưa lớn, hoàn lưu bão. Chính Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Trưởng ban Chỉ đạo PCLB Trung ương, ông Cao Đức Phát cũng nhấn mạnh rằng, hiện nay việc quản lý các tàu thuyền và bà con ngư dân ở trên biển mỗi khi bão vào không còn khó khăn và phải lo lắng như trước nữa, thiệt hại trên biển cũng được giảm thiểu đáng kể trong nhiều trận bão những năm gần đây.

Thế nhưng đáng lo lắng hơn lại là những thiệt hại nặng nề về con người và tài sản ở trên bờ khi bão đổ bộ hoặc bão đã đi qua, mưa lũ do hoàn lưu bão gây sạt lở núi và lũ quét. Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, như trong cơn bão số 2-2014 vừa qua, lúc bão đổ bộ không hề có thiệt hại nào về người nhưng sau đó đã có tới 38 người bị thiệt mạng tại 8 tỉnh miền núi phía Bắc, mà nguyên nhân chủ yếu lại là bị lũ cuốn trôi và sạt lở đất. Mới nhất là trong cơn bão số 3 vừa qua, thống kê sơ bộ đến chiều 18-9 đã có ít nhất 14 nạn nhân thiệt mạng và mất tích - cũng chủ yếu do mưa lũ, sạt lở đất và sau khi bão đã đi qua.

Theo Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương, thống kê từ năm 2000 đến tháng 8-2014, cả nước đã xảy ra 250 đợt lũ quét, sạt lở ảnh hưởng tới các vùng dân cư, làm chết và mất tích 646 người, bị thương 351 người, chưa kể hơn 9.700 căn nhà bị đổ trôi cùng hơn 100.000 căn nhà bị ngập hoặc hư hại nặng; nhiều công trình giao thông, thủy lợi, dân sinh bị hư hỏng nặng nề, tổng thiệt hại ước tính trên 3.300 tỷ đồng.

Trong số các tỉnh miền núi phía Bắc, hầu như tỉnh nào cũng đều đã có tình trạng người dân bị thiệt mạng do sạt lở núi hoặc lũ quét trôi như các sự cố ở Văn Chấn - Yên Bái năm 2005 và lặp lại tại Mù Căng Chải vào năm 2011, vụ lũ ống ở Bát Xát (Lào Cai) năm 2008, vụ lũ quét ở Pắc Nậm năm 2010… Có những vụ lũ quét, số người chết lên tới 11 - 19 người, có trường hợp lên tới 23 người. Đành rằng lũ ống, lũ quét thường rất khó lường, tuy nhiên, từ năm 2010 đến nay, đã có những vụ thiệt mạng chỉ do người dân cố tình lội hoặc đi xe máy qua các tràn hoặc hầm ngầm, sông suối. Thậm chí như ở Sa Pa (Lào Cai) có trường hợp cô giáo bị lũ cuốn trôi khi cố đi xe máy qua tràn xả lũ khi mưa lớn trên đường đến trường cho kịp năm học mới…

Khi mổ xẻ vào vấn đề, nhiều chuyên gia và đại diện các ban ngành chức năng cho rằng, một phần nguyên nhân là do người dân đã cố tình hoặc chủ quan coi thường hoặc không có nhận thức về sự nguy hiểm của mưa lũ lớn. Tâm lý chung của nhiều người dân khi có bão lũ hoặc mưa lớn thường là cố gắng “thêm vài bước chân sẽ về đến nhà” nên cố tình đi qua sông suối nên bất ngờ bị lũ cuốn.

Tại cuộc họp giao ban trực tuyến với 26 tỉnh miền Bắc chịu ảnh hưởng của bão số 3 vừa tổ chức tại Hà Nội ngày 17-9, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh rằng yêu cầu quan trọng hiện nay là phải tăng cường nâng cao nhận thức cho mỗi người dân về bão lũ. Các cơ quan thông tin đại chúng cần thông tin tuyên truyền hiệu quả và rộng rãi hơn để nâng cao nhận thức cho người dân về thiên tai, đặc biệt là bà con ở vùng sâu vùng xa, miền núi về nguy cơ sạt lở núi và lũ quét có thể xảy ra bất cứ khi nào khi có bão, mưa lớn.

Nâng cao nhận thức cho mỗi người dân là việc quan trọng. Mặc dù vậy, cũng không thể chỉ giao khoán hoàn toàn vào ý thức tự giác của người dân, mà theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, các cơ quan ban ngành chức năng và chính quyền các địa phương cũng phải thể hiện trách nhiệm hơn nữa trong việc phòng chống bão lũ, không nên chỉ hô hào khẩu hiệu suông mà phải triển khai ngay các phương án “4 tại chỗ”. Triển khai những công việc rất cụ thể như nghiên cứu bố trí lực lượng bộ đội, dân quân, thanh niên xung phong, cảnh sát giao thông… tại các vị trí hầm ngầm, suối, cầu tạm, tràn xả để ngăn không cho người dân cố tình đi qua, cùng với việc cắm biển báo nguy hiểm.

Lãnh đạo địa phương và các ban ngành phải chịu trách nhiệm nếu thờ ơ việc kiểm tra phòng chống bão. Bằng việc đề cao trách nhiệm của các cơ quan, chính quyền sở tại và xây dựng nhận thức cũng như ý thức tự giác của mỗi người dân về thiên tai thảm họa, chắc chắn sẽ giảm đáng kể tình trạng thiệt hại về người và của như lâu nay.

VĂN PHÚC

Tin cùng chuyên mục